Đề tài khoa học "Xây dựng rạn nhân tạo tại vịnh Nha Trang" do Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhuận (Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác Thủy sản - Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu, mở ra nhiều khả năng tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ...
Đề tài khoa học “Xây dựng rạn nhân tạo tại vịnh Nha Trang” do Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhuận (Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác Thủy sản - Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu, mở ra nhiều khả năng tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.
|
Hình một số hải sản xuất hiện ở rạn nhân tạo. |
Đề tài được thực hiện từ năm 2013, với mục tiêu tạo ra các kiểu rạn nhân tạo phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường, nguồn lợi ở vùng biển Nha Trang, làm cơ sở cho các nhà quản lý địa phương lựa chọn và ứng dụng nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có tôm hùm con, hệ sinh thái và môi trường sống của các loài sinh vật biển.
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã nghiên cứu, thiết kế và thả 150 đơn vị rạn nhân tạo bằng bê tông với diện tích phủ nền đáy 10.000m2, thể tích vùng nước bao phủ 50.000m3 tại vùng biển khu vực phía đông phường Vĩnh Hòa (Nha Trang) để xây dựng mô hình. Đây là khu vực biển có độ sâu phù hợp, độ dốc đáy thấp, nền đáy cứng, có nhiều san hô chết và dòng chảy ổn định. Nguồn lợi thủy sản dồi dào nhưng đã có dấu hiệu suy giảm mạnh, có nhiều ấu trùng và con non.
Qua khảo sát, trước khi thả rạn nhân tạo xuống biển, vùng biển ở đây có thành phần sinh vật nghèo nàn, chỉ có 28 loài cá thuộc 19 họ và 5 bộ, chủ yếu có kích thước nhỏ, mật độ trung bình từ 8 - 9 cá thể/m2. Tuy nhiên, sau một thời gian xây dựng mô hình rạn nhân tạo, kết quả cho thấy mật độ thủy sinh và thành phần các loài trong và xung quanh rạn đã tăng lên liên tục theo thời gian. Cụ thể, sau 2 tháng (7-2014) khảo sát mật độ cá trung bình có 57 cá thể/cụm, sau 1 năm (6-2015) mật độ cá trung bình là 1.463 cá thể/cụm. Thành phần các loài cá ghi nhận được có 91 loài, thuộc 36 họ, 10 bộ. So với thời điểm trước khi thả rạn, thành phần loài cá ở khu vực thả rạn tăng lên gấp 3 lần; phần lớn các loài cá này có đặc trưng phân bố ở rạn san hô. Nhóm kích thước cá nhỏ hơn 10cm phân bố ở các cụm rạn chiếm tỷ lệ trung bình 82%; nhóm cá kích thước từ 10 - 20cm trung bình chiếm 14% và nhóm cá lớn hơn 20cm chiếm 4%. Ngoài ra, kết quả khảo sát còn cho thấy, rạn nhân tạo cũng là nơi thích hợp cho các loài sinh vật đáy cỡ lớn sinh sống (ghi nhận 13 loài), chủ yếu là nhóm thân mềm ăn rong rêu bám trên các khối bê tông của rạn. Mật độ phân bố tôm hùm con trong khu vực thả rạn cũng cao hơn khu vực ngoài rạn với số lượng dao động từ 26 - 54 con/1.000m2. Đặc biệt, sự xuất hiện các loài cá có kích thước lớn hơn 20cm, có giá trị kinh tế cao (cá kẽm hoa, cá hồng chấm đen) sau khi xây rạn là dấu hiệu của sự phục hồi nguồn lợi thủy sản.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh đánh giá, đề tài thực hiện đã đáp ứng được các mục tiêu và nội dung đề ra, có khả thi trong việc tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ tại vịnh Nha Trang khi triển khai trong thực tế. Theo chủ nhiệm đề tài Nguyễn Văn Nhuận, thời gian đánh giá hiệu quả của mô hình xây dựng rạn nhân tạo chưa đủ lớn, nên cần tiếp tục có những nghiên cứu và ứng dụng tiếp theo để xác định rõ các loài định cư, sinh sản, khả năng phát tán bổ sung con giống cho vùng biển ven bờ. Địa phương cũng cần có chính sách xây dựng một khu rạn nhân tạo với quy mô lớn phục vụ cho khai thác hải sản và du lịch giải trí. Tuy nhiên, việc phát triển các rạn nhân tạo cũng có khả năng phát sinh các mâu thuẫn xã hội về tranh chấp sử dụng mặt nước trong cộng đồng ngư dân và các doanh nghiệp khai thác du lịch. Vì vậy, chính quyền cần có giải pháp quản lý chặt chẽ, có sự phân định vùng nước ưu tiên và quy hoạch không gian ven biển rõ ràng khi xây dựng rạn nhân tạo.
Lưu Khánh