11:05, 12/05/2016

Vệ sinh môi trường phía bắc thành phố: Sẽ được cải thiện

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt danh mục Dự án "Môi trường bền vững các thành phố duyên hải", vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt danh mục Dự án “Môi trường bền vững các thành phố duyên hải”, vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB). Cùng với các thành phố như: Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Quy Nhơn (Bình Định), Đồng Hới (Quảng Bình), TP. Nha Trang sẽ thực hiện dự án này với tổng vốn đầu tư 72 triệu USD.


Cải thiện vệ sinh môi trường


Theo đó, Dự án “Môi trường bền vững các thành phố duyên hải” nhằm đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe cho người dân các thành phố tham gia dự án, thông qua việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo cảnh quan đô thị; hỗ trợ tăng cường quản lý dự án và cải cách thể chế để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Tổng mức đầu tư của dự án là 273,594 triệu USD. Trong đó, vốn ODA và vốn vay ưu đãi do WB tài trợ là 237,5 triệu USD, vốn đối ứng phía Việt Nam tương đương 36,094 triệu USD. Tại Khánh Hòa, dự án có tổng mức đầu tư là 72 triệu USD, trong đó có 11,1 triệu USD vốn đối ứng từ nguồn ngân sách.

 

Cận cảnh cống xả nước thải ra biển
Cận cảnh cống xả nước thải ra biển


Dự án có 4 hợp phần (HP) chính. Trong đó, HP1- Vệ sinh: Tăng cường năng lực thoát nước mưa, tiêu thoát lũ, thu gom và xử lý nước thải tại các thành phố; tăng cường năng lực thu gom và quản lý chất thải rắn, nâng cao vệ sinh trường học, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về vệ sinh môi trường. HP 2- Hạ tầng môi trường: Cải thiện hạ tầng môi trường và tăng cường chống ngập lụt; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng và thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân trong vùng dự án. HP3 - Tái định cư và giải phóng mặt bằng. HP4 - Hỗ trợ kỹ thuật và cải cách thể chế: Tăng cường năng lực quản lý dự án và các chủ dự án; các hoạt động kiểm soát quá trình thực hiện dự án theo quy định pháp luật; các chương trình truyền thông hướng đến cộng đồng nhằm cung cấp thông tin, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân trong vùng dự án.


Theo Ban quản lý (BQL) Dự án Phát triển tỉnh - đơn vị chủ đầu tư dự án tại Khánh Hòa, dự án được thực hiện ở TP. Nha Trang là sự tiếp nối của dự án cải thiện vệ sinh môi trường trước đây. Trong giai đoạn tới, dự án chủ yếu thực hiện các HP1, 2, 4.


Biển sẽ sạch hơn


Trước đây, TP. Nha Trang đã được đầu tư dự án cải thiện vệ sinh môi trường tại khu vực trung tâm và phía nam thành phố với tổng kinh phí hơn 1.655 tỷ đồng. Đến nay, dự án này đã hoàn thành và vận hành có hiệu quả. Nước thải được thu gom đưa về nhà máy tại xã Phước Đồng để xử lý trước khi thải ra môi trường. Còn ở khu vực phía bắc thành phố, do khó khăn về vốn nên dự án vẫn chưa thể triển khai.


Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc BQL Dự án Phát triển tỉnh cho biết, tại phía bắc thành phố vẫn còn nhiều điểm ngập úng nặng khi mưa lớn như: khu Làng SOS, đường Điện Biên Phủ, đường 2-4, khu vực Chợ Bầu - Vĩnh Thọ... Trong khi đó, dọc bãi biển các phường Vĩnh Phước, Vĩnh Hòa vẫn còn một số cửa xả xả thẳng nước thải ra biển, gây ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, khu vực sông Cái nội thành Nha Trang, trước đây cũng đã được triển khai một số đoạn kè bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, những đoạn còn lại thuộc khu vực từ cầu Hà Ra, cầu Xóm Bóng ngược lên phía thượng nguồn do khó khăn về vốn nên chưa được triển khai. Vì thế, dự án này sẽ triển khai các hạng mục như: hệ thống cống thu gom nước mưa, nước thải; trạm bơm; Nhà máy xử lý nước thải xã Vĩnh Ngọc có công suất 15.000m3/ngày, đêm... Dự án khi hoàn thành sẽ giải quyết được phần lớn các điểm ngập úng; nước thải sẽ được thu gom xử lý, chấm dứt tình trạng cống nước thải xả thẳng ra biển.


Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ đầu tư hệ thống kè sông Cái, đoạn từ cầu Hà Ra đến cầu đường sắt dài khoảng 2km; kè phía bắc từ cầu Xóm Bóng đến đường Chử Đồng Tử khoảng 400m. Kè sông Cái cũng giúp ngăn chặn tình trạng ngập úng ở vùng ven sông như: Vạn Thắng, Ngọc Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phước...; giải quyết ô nhiễm môi trường do lòng sông bị lấn chiếm, đảm bảo không gian đô thị xanh - sạch - đẹp.


“Sau khi được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương, ban đang khẩn trương cùng đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cho các bộ, ngành Trung ương thẩm định. Đồng thời, sẽ cùng WB thẩm định dự án, thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường, tác động xã hội. Dự kiến, Hiệp định sẽ được ký kết vào đầu năm 2017. Sau đó sẽ thực hiện dự án trong 5 năm. Trước mắt, 30% khối lượng của dự án sẽ được thi công trong năm 2017”, ông Nhân cho biết.


M.T