Trong cuộc họp xác định giá đất do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức mới đây, tổng giá trị đất trong Sân bay Nha Trang được xác định khoảng 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này không đủ để đối ứng cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đã và sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh.
Trong cuộc họp xác định giá đất do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức mới đây, tổng giá trị đất trong Sân bay Nha Trang được xác định khoảng 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này không đủ để đối ứng cho các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đã và sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh.
Ngày 15-1, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Sân bay Nha Trang rộng 186,86ha, được quy hoạch thành Khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang. Theo quy hoạch mới được phê duyệt, Sân bay Nha Trang sẽ được xây dựng thành một khu phức hợp với đầy đủ loại hình thương mại, dịch vụ, công viên, bảo tàng... Ngay giáp đường Trần Phú (đối diện Công viên Thanh Niên) sẽ dành khoảng 10ha để xây dựng Quảng trường Đại Dương, bảo tàng và trung tâm triển lãm. Nơi đây sẽ được trưng bày các tư liệu, hình ảnh liên quan đến lịch sử - văn hóa, sự hình thành và phát triển của Khánh Hòa. Riêng Quảng trường Đại Dương sẽ được dùng để tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội, các sự kiện lớn của tỉnh.
Người dân xem thông tin quy hoạch Sân bay Nha Trang |
Cũng theo ông Nam, kết quả cuộc họp xác định giá đất mới đây, Sân bay Nha Trang được định giá khoảng 12.000 tỷ đồng. Đất ở đây sẽ được bán cho các nhà đầu tư để đối ứng cho các dự án BT đang và sẽ triển khai. Ưu tiên 1 sẽ được đối ứng cho Bộ Quốc phòng để xây dựng sân bay tạm trong Cam Ranh và sân bay lâu dài trong Bình Thuận. Sân bay được xây dựng để làm cơ sở tập luyện cho Trung đoàn Không quân 920 chuyển vào. Theo tính toán, tổng kinh phí xây dựng 2 sân bay nói trên khoảng 5.500 tỷ đồng, tương đương 79ha đất trong sân bay. “Như vậy, trong tổng số tiền bán đất sân bay thì mất khoảng 1/2 đối ứng cho Bộ Quốc phòng. Phần còn lại không đủ để đối ứng cho các dự án BT”, ông Nam nói.
Hiện nay, lãnh đạo tỉnh đã có kết luận về việc sắp xếp các dự án BT theo thứ tự ưu tiên. Ưu tiên thứ nhất được xác định là các công trình đường sẽ đấu nối từ khu vực liền kề vào Sân bay Nha Trang và từ Sân bay Nha Trang đấu nối ra khu vực liền kề. Một số tuyến đường đã có quy hoạch như: đường Nguyễn Thiện Thuật nối dài, đường Tô Hiến Thành nối dài, các tuyến đường nhánh từ đường Lê Hồng Phong vào sân bay và ngược lại. Ưu tiên thứ 2 là Khu đô thị hành chính tỉnh ở phía tây Nha Trang. Ưu tiên thứ 3 là đường băng số 2 Sân bay quốc tế Cam Ranh đã được khởi công với tổng đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng. Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án này là 1.000 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh. Các dự án BT còn lại sẽ tiếp tục được lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành xem xét, sắp xếp.
Theo ông Nam, hiện nay chưa thể trả lời chính xác có bao nhiêu nhà đầu tư tại Sân bay Nha Trang. Nguyên nhân là hiện nay các nhà đầu tư đang làm thủ tục, tốn nhiều thời gian để đi đến kết quả cuối cùng. Trước mắt chỉ có Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn được UBND tỉnh bàn giao 62ha đất trong Sân bay Nha Trang để thực hiện dự án. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này cho biết 62ha này vẫn chưa được tỉnh xác định giá trị là bao nhiêu tỷ đồng.
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn là đơn vị thi công nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó có dự án đường Phong Châu, đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng, đường băng số 2 Sân bay quốc tế Cam Ranh, Khu đô thị Phúc Khánh 1, Khu đô thị Phúc Khánh 2… Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn được UBND tỉnh giao cùng với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC thi công dự án Khu đô thị hành chính tỉnh tại phía Tây Nha Trang.
VĂN KỲ