Từ khi UBND xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) di dời điểm tập kết rác từ mặt đường cái vào sát chợ Cam Hòa, những hộ dân sống xung quanh đã phản ứng vì rác thải thường bị tồn đọng số lượng lớn…
Từ khi UBND xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) di dời điểm tập kết rác từ mặt đường cái vào sát chợ Cam Hòa, những hộ dân sống xung quanh đã phản ứng vì rác thải thường bị tồn đọng số lượng lớn…
Chúng tôi đến chợ Cam Hòa (thôn Cửu Lợi 2, xã Cam Hòa) vào buổi trưa, khi chợ đã tan. Giữa cái nắng oi bức sau cơn mưa, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ bãi rác phía tây khu chợ làm chúng tôi cảm thấy ngột ngạt. Bà Nguyễn Thị Năm, nhà cách điểm tập kết rác chưa đầy 10m cho biết: “Điểm tập kết rác này hình thành khoảng 1 năm nay. Gọi đây là bãi rác đúng hơn vì luôn tồn đọng lượng rác thải lớn. Từ đó đến nay, chúng tôi phải “sống chung” với cảnh nhếch nhác, mùi hôi thối và muỗi mòng. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên xã, nhưng tình trạng này vẫn không được giải quyết”.
Rác tồn đọng ở điểm tập kết sát chợ Cam Hòa |
Theo quan sát của chúng tôi, điểm tập kết rác này có khối lượng khoảng vài tấn, nhưng vương vãi trên một diện tích khá lớn, lan sang cả vườn mì giáp ranh, thậm chí đến gần sân nhà bà Năm. Bà Phạm Thị Lập, nhà cách tương đối xa bãi rác cho biết: “Ngoài việc thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối và ruồi nhặng; mỗi khi trời mưa, nhà tôi và nhiều hộ dân ở phía dưới thấp phải hứng chịu nước bẩn từ điểm tập kết rác chảy xuống”. Theo người thu gom rác ở chợ này, lượng rác của chợ thực chất không nhiều mà chủ yếu là rác do người dân ở nhiều thôn trong xã mang đến. Họ thường vứt rác bừa bãi nên công việc thu gom khá vất vả.
Do quỹ đất hạn hẹp, xã Cam Hòa không có bãi rác theo quy hoạch, ngay cả điểm tập kết rác cũng phải thường xuyên bị di chuyển bởi do gần đường và gần khu dân cư. Chính vì vậy, tuy địa phương đã thực hiện xã hội hóa thu gom rác thải, nhưng để có một điểm tập kết rác phù hợp trước khi được vận chuyển vào bãi rác của huyện ở xã Cam An Nam, vẫn luôn là bài toán khó giải trong thời gian qua.
Được biết, trước đây, xã bố trí điểm tập kết rác nằm bên đường cái ở thôn Cửu Lợi 2 và xây một căn nhà kín để chứa rác nhằm hạn chế ô nhiễm. Nhưng do nằm bên đường, mất mỹ quan nên UBND huyện đã chỉ đạo di dời điểm tập kết rác này và địa phương không thể chọn được địa điểm nào hợp lý hơn ngoài vị trí sát chợ Cam Hòa. Mặt khác, thực hiện hình thức xã hội hóa thu gom rác thải, xã đã hợp đồng với một chủ xe tải ở địa phương để thu gom rác thải sinh hoạt ở 5/8 thôn, với chi phí 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong 1.000 hộ đăng ký dịch vụ thu gom rác thải ở 5 thôn này, thực tế chỉ có khoảng 500 hộ đóng tiền nên mỗi tháng, UBND xã phải bù 6 - 7 triệu đồng, đó là chưa kể chi phí thuê người gom rác ở chợ và chở rác từ chợ vào bãi rác của huyện.
Theo ông Phùng Minh Vang - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hòa, thời gian qua, việc thu gom rác thải trong khu dân cư được thực hiện rất tốt. Hiện tại, điểm tập kết rác ở chợ Cam Hòa là tồn tại duy nhất về vấn đề môi trường của địa phương. “Vừa qua, do mưa kéo dài, việc vận chuyển rác từ điểm tập kết này gặp khó khăn nên có tình trạng rác tồn đọng khiến người dân xung quanh bức xúc. Trước mắt, chúng tôi sẽ đôn đốc bên vận chuyển sớm giải phóng lượng rác này. Về lâu dài, khi được huyện hỗ trợ mức 70% trên số tiền xã phải bù chi phí thu gom, vận chuyển rác, chúng tôi sẽ đầu tư nhiều thùng chuyên dụng để đựng rác hoặc xây tường bao quanh điểm tập kết rồi phủ bạt nhằm hạn chế tối đa rác và mùi hôi phát tán ra bên ngoài. Còn hiện tại, việc di dời điểm tập kết này là bất khả thi vì không có vị trí nào phù hợp hơn”, ông Vang nói.
NAM ANH - ĐÌNH LÂM