Người dân không chọn Khu tái định cư Ninh Thủy và Khu tái định cư Xóm Quán (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) theo quy hoạch của tỉnh mà mua đất ở khu vực Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa) hoặc xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) để sinh sống và tiếp tục trồng tỏi.
Người dân không chọn Khu tái định cư (TĐC) Ninh Thủy và Khu TĐC Xóm Quán (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) theo quy hoạch của tỉnh mà mua đất ở khu vực Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa) hoặc xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) để sinh sống và tiếp tục trồng tỏi.
Chỉ có vài hộ tái định cư
Trở lại khu TĐC Ninh Thủy vào đầu tháng 12 khi thời điểm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong I đã cận kề, chúng tôi thấy mới chỉ lác đác vài hộ đến xây dựng nhà ở. Khu TĐC Ninh Thủy rộng gần 35ha với tổng mức đầu tư gần 427 tỷ đồng nhưng mới chỉ có 6 hộ đến sinh sống cùng một trường tiểu học đã xây dựng khang trang đang bỏ hoang.
Tuy đã có 25 trường hợp tháo dỡ nhà bàn giao mặt bằng nhưng đến nay chỉ có 6 hộ đến ở Khu tái định cư Ninh Thủy |
Bà Nguyễn Thị Minh mới chuyển từ thôn Ninh Yển (xã Ninh Phước) đến đây cho biết: “Khi ở nơi cũ, tôi trồng tỏi, chồng tôi làm công nhân Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin. Đến đây, đất canh tác không có, tôi quanh quẩn trông nhà và nuôi ít gà, vịt”. Trong khi đó, ông Trần Văn Hương (người thứ 2 đến khu TĐC) cho biết: “Tôi thấy cơ sở hạ tầng ở khu TĐC khá tốt nhưng dân cư thưa thớt nên ai cũng lo lắng. Đàn gà nuôi hơn 10 con chuẩn bị xuất bán thì bị trộm lấy hết, giờ vợ chồng tôi thay nhau trông nhà”. Không chỉ lo lắng về tình hình an ninh, nhà ông Hương tuy nằm sát trường tiểu học nhưng hai đứa con của ông vẫn phải đi gần 5km để học, nguyên nhân do người dân đến ở quá ít nên trường chưa tổ chức lớp học.
Khu TĐC Xóm Quán rộng hơn 50ha được Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 394,6 tỷ đồng cũng chưa có hộ nào đến ở.
Bà Đỗ Thị Dù, Chủ tịch UBND xã Ninh Phước cho biết, đến nay, toàn thôn Ninh Yển có 25 hộ đã dỡ nhà để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong I nhưng chủ yếu họ đến khu vực Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa) hoặc xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) để mua đất làm nhà, tiếp tục nghề trồng tỏi. “Qua thăm dò ý kiến người dân, tôi thấy đa số đều không muốn vào Khu TĐC Ninh Thủy. Họ nêu lý do không có đất canh tác, vào đó không biết làm gì để sinh sống, nuôi con ăn học. Phần lớn người dân phải di dời đều nhận đất ở khu TĐC nhưng họ để đó rồi tự tìm đường mưu sinh ở vùng đất khác thuận lợi hơn. Theo tôi, để thu hút người dân vào Khu TĐC Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa cần gấp rút thực hiện xong khu tái định canh rộng 20ha gần đó. Có đất canh tác, người dân sẽ yên tâm hơn”, bà Dù nói.
Không kịp kế hoạch
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong tháng 10-2015 phải hoàn thành việc di dân về nơi TĐC để bàn giao đất cho chủ đầu tư vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đến nay, công việc vẫn còn dang dở, việc bồi thường vẫn chưa thực hiện xong.
Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Ninh Hòa, để thực hiện dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong I, có 340 trường hợp ở thôn Ninh Yển bị ảnh hưởng, trong đó 100 trường hợp phải bố trí TĐC, chủ yếu là đến Khu TĐC Ninh Thủy. Tuy nhiên, theo bà Dù, đến nay vẫn còn 37 trường hợp chưa thống nhất được giá bồi thường đất đìa do vướng mắc về nguồn gốc đất. Tháng 7-2015, ông Nguyễn Vĩnh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa đã chủ trì tiếp xúc với các hộ để lắng nghe ý kiến. Khi đó, ông Thạnh hứa sẽ kiến nghị UBND tỉnh nâng mức giá đền bù, nhưng đến nay xã vẫn chưa nhận được văn bản nào trả lời về hướng giải quyết đối với các hộ này. Về 100 hộ phải bố trí TĐC, đến nay vẫn còn 23 trường hợp chưa nhận đất. Người dân cho rằng giá đền bù thấp, không đủ để xây dựng nhà nơi ở mới.
Theo bà Dù, kế hoạch bàn giao đất cho nhà đầu tư vào đầu năm 2016 chắc chắn sẽ không kịp do đến nay công việc vẫn còn ngổn ngang. Trong khi đó, ông Hoàng Đình Phi, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong khẳng định nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn sàng để khởi công dự án trong năm 2016, vì vậy đầu năm 2016 sẽ phải bàn giao đất để chuẩn bị các điều kiện thi công.
VĂN KỲ