08:11, 20/11/2015

Còn nhiều khó khăn

Triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã thực hiện 51/55 nhiệm vụ, góp phần giải quyết các vấn đề môi trường cấp thiết. Tuy nhiên, công tác BVMT vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức..

Triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã thực hiện 51/55 nhiệm vụ, góp phần giải quyết các vấn đề môi trường cấp thiết. Tuy nhiên, công tác BVMT vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức..


Giải quyết các vấn đề môi trường cấp thiết


Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), trong 51 nội dung, nhiệm vụ đã thực hiện có một số chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt kế hoạch như: tỷ lệ thu gom, xử lý rác đô thị, khu công nghiệp đạt từ 90 - 100%; 94% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 30% dân số sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn Bộ Y tế; 100% bệnh viện tuyến tỉnh, huyện có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn... Ông Bùi Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, Ninh Hòa đạt một số kết quả tích cực trong công tác BVMT, trong đó có thu gom, xử lý rác sinh hoạt; hỗ trợ tích cực các địa phương mua sắm trang thiết bị thu gom rác. Đến nay, thị xã có 15/20 xã tổ chức mô hình thu gom rác tập trung.

 

Bể xử lý nước thải hiện đại tại Trạm xử lý nước thải phía nam (Nha Trang), vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới
Bể xử lý nước thải hiện đại tại Trạm xử lý nước thải phía nam (Nha Trang), vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới


5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động nguồn vốn lớn đầu tư công tác BVMT, đặc biệt là các dự án có vốn tài trợ từ nước ngoài như: dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang, được tài trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB), tổng mức đầu tư hơn 93,6 triệu USD; dự án vốn vay Ngân hàng Châu Á (ADB) tại Cam Ranh hơn 217 tỷ đồng...; tổng chi thường xuyên sự nghiệp môi trường hơn 613 tỷ đồng... Các nhiệm vụ thực hiện trong 5 năm đã tạo bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; kiểm soát ô nhiễm tại khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất; tăng cường năng lực ứng phó với sự cố môi trường, quản lý chất thải nguy hại. Đồng thời, phát triển cơ sở dữ liệu môi trường; huy động trách nhiệm và nguồn lực cộng đồng tham gia BVMT; từng bước hoàn thiện năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước về môi trường...


Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà - Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN-MT) vẫn còn 4 nội dung chưa hoàn thành hoặc hoàn thành một phần. Đó là: xây dựng dự án cải tạo phục hồi môi trường vùng nước suy thoái, ô nhiễm; đóng cửa, cải tạo, xây dựng mới các bãi rác; thu gom, xử lý nước thải khu vực phía bắc TP. Nha Trang; điều tra hiện trạng quản lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác BVMT còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: chậm di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khỏi khu vực nội thị; bố trí vốn sự nghiệp môi trường cấp huyện và sự nghiệp lâm nghiệp chưa bảo đảm; nguồn nhân lực lĩnh vực này ở cả 3 cấp thiếu và yếu; chính sách về môi trường chưa được quan tâm đẩy mạnh...


Còn nhiều thách thức

 

Mới đây, tại hội nghị tổng kết Kế hoạch BVMT 2011 - 2015, đồng chí Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; tăng cường trách nhiệm, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường và xã hội hóa công tác BVMT là những giải pháp chính sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,3% thời kỳ 2011 - 2015, mục tiêu 7,5 - 8% thời kỳ 2016 - 2020 theo định hướng dịch vụ - du lịch, công nghiệp - xây dựng và nông, lâm, thủy sản, Khánh Hòa sẽ đứng trước nhiều thách thức. Đó là các vấn đề về môi trường từ các ngành công nghiệp, dịch vụ; tốc độ đô thị hóa nhanh; khai thác tài nguyên, khoáng sản; phát triển khu du lịch ven biển; phát triển làng nghề; quản lý chất thải nguy hại; năng lực ứng phó biến đổi khí hậu; tăng trưởng xanh... Vì vậy, tỉnh cần có những giải pháp đáp ứng về vốn; khoa học - công nghệ; thể chế - chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

 
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch BVMT của tỉnh là sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra; đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, cung cấp nước sạch; bảo tồn đa dạng sinh học; trồng và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực quan trắc môi trường, năng lực ứng phó sự cố môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu; phối hợp chương trình hành động với các tổ chức chính trị, xã hội, vai trò truyền thông...


V.L