11:08, 06/08/2015

Quan tâm bảo tồn đa dạng sinh học biển

Khánh Hòa là một trong những địa phương có đa dạng sinh học biển. Tuy nhiên, đa dạng sinh học biển Khánh Hòa đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức.

Khánh Hòa là một trong những địa phương có đa dạng sinh học (ĐDSH) biển. Tuy nhiên, ĐDSH biển Khánh Hòa đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức.


Đa dạng sinh học biển


Các nghiên cứu gần đây của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy tính ĐDSH biển Khánh Hòa rất cao. Tuy diện tích rừng ngập mặn của tỉnh bị thu hẹp chỉ còn hơn 104ha nhưng có đến 34 loài cỏ biển. Thảm cỏ biển cũng ghi nhận có 12 loài cỏ biển với diện tích hơn 1.800ha. Ngược lại, hệ sinh thái thảm cỏ biển cũng rất đa dạng về thành phần nguồn lợi như: 134 loài cá, 40 loài giáp xác, 23 loài thân mềm, 10 loài da gai...

 

Vùng biển Khánh Hòa có tính đa dạng sinh học cao
Vùng biển Khánh Hòa có tính đa dạng sinh học cao


Rạn san hô - nơi các loài sinh vật thích nghi, trú ngụ, sinh sản... cũng ghi nhận tính đa dạng về thành phần loài. Theo Tiến sĩ (TS) Võ Sỹ Tuấn - Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cá sống trong các rạn san hô có thành phần rất đa dạng. Trong đó, họ cá thia, cá bàng chài và cá bướm có số lượng loài nhiều nhất. Các họ cá có giá trị thực phẩm cao như: cá mú, cá hồng, cá kẽm, cá hè, cá bò cũng khá đa dạng. Mật độ cá rạn dao động từ 400 đến 900 cá thể, trung bình 653 cá thể/500m2, chủ yếu cá có kích thước bé.


Về sinh vật quý hiếm, chỉ riêng vịnh Nha Trang có 11 loài thú biển, phổ biến là loài Sousa chinensis và Steno bredanensis, ngoài ra còn có 2 loài rùa biển là vích và đồi mồi. Các nhóm sinh vật đáy ưu thế biển sâu cũng rất đa dạng. Giáp xác gồm: Isopods và Amphipods 30 - 50%; giun nhiều tơ 40 - 80%; hải sâm kích thước lớn 30 - 80%... Ngoài ra, còn có các loài sao biển, cầu gai, hải miên, hải quỳ...


Thách thức trong công tác bảo tồn


ĐDSH biển hứa hẹn mang lại nguồn lợi kinh tế biển rất lớn. Theo TS Võ Sỹ Tuấn, du lịch biển tại vịnh Nha Trang mang lại nguồn lợi mỗi năm ít nhất 600.000 USD với nhiều loại hình như: tắm biển, bơi lặn, câu cá, thư giãn... Mặt khác, hoạt động nuôi trồng gắn với các đối tượng như: tôm sú, tôm hùm, cá mú, cá hồng..., có thể mở rộng nhiều đối tượng khác như: cá khoang cổ, cá ngựa, cầu gai, hàu, vẹm xanh... Ngoài ra, các sinh vật biển còn là nguyên liệu để xử lý ô nhiễm, chiết xuất các hoạt chất kháng ung thư, phát triển công nghiệp dược phẩm...


Tuy nhiên, ĐDSH biển Khánh Hòa đang đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, nạn khai thác hủy diệt (bằng chất nổ, xung điện, giã cào...) đã làm giảm tính ĐDSH. Các sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng hoặc đang bị đe dọa như: bò biển, rùa biển bị khai thác làm thực phẩm, mỹ nghệ; nguy cơ biến mất của nhiều loài quý hiếm do khai thác quá mức hay thay đổi môi trường sống, ô nhiễm từ các hoạt động vận tải, đánh bắt cá, tràn dầu... Rạn san hô và thảm cỏ biển suy thoái do trầm tích của quá trình phát triển vùng ven bờ; du lịch lặn thám hiểm đáy biển làm gãy nát rạn san hô. Ngoài ra, phát triển ao đìa nuôi tôm làm thu hẹp rừng ngập mặn...


Để bảo tồn ĐDSH, theo TS Nguyễn Văn Long (Viện Hải dương học Nha Trang), cần xây dựng cơ sở khoa học cho việc quản lý hiệu quả tài nguyên ĐDSH; thiết lập, phân vùng chức năng và xây dựng phương án quản lý phù hợp; thiết lập mạng lưới các khu bảo tồn quy mô nhỏ và đa dạng hóa phương thức quản lý. Bên cạnh đó, phục hồi hệ sinh thái và tạo điểm đến mới cho khách du lịch; nâng cao nhận thức và trách nhiệm các bên liên quan về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; giám sát và đánh giá hiệu quả tài nguyên thiên nhiên...


P.L