09:05, 14/05/2015

Hạn chế sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường

Vận động mọi người hạn chế sử dụng túi ni lông, hay sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường… là những cách làm đang được nhiều người hướng tới nhằm giảm thiểu tác hại đối với môi trường.

Vận động mọi người hạn chế sử dụng túi ni lông, hay sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường… là những cách làm đang được nhiều người hướng tới nhằm giảm thiểu tác hại đối với môi trường.


Theo các nhà khoa học, túi ni lông khi thải ra môi trường sẽ sinh ra nhiều độc tố, gây nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, động và thực vật. Dù biết rác thải từ túi ni lông gây tác hại lớn đến môi trường, nhưng với sự tiện dụng của túi ni lông, người tiêu dùng vẫn sử dụng loại túi này, nhất là khi đi chợ. Thay đổi thói quen này sẽ góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường.

 

Túi ni lông được sử dụng phổ biến.
Túi ni lông được sử dụng phổ biến


Bà Nguyễn Thị Thúy Nga - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diên An (Diên Khánh) - một trong những đơn vị đi đầu trong việc vận động chị em phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông, cho biết: Được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các ngành, thời gian qua, Hội Phụ nữ xã đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ “Hạn chế sử dụng túi ni lông” và có nhiều hoạt động thiết thực vận động chị em giảm thiểu sử dụng túi ni lông, mang theo giỏ xách khi đi chợ... Tuy nhiên, để thay đổi thói quen này cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục đến chị em. Chị Lê Thị Kim Oanh - thành viên CLB cho biết: “CLB thường xuyên sinh hoạt, nhắc nhở chị em hạn chế sử dụng túi ni lông. Tuy nhiên, việc làm này rất khó đối với chị em ngoài CLB, không phải ai cũng làm theo”.  


Vận động mọi người hạn chế sử dụng túi ni lông như cách làm của Hội Phụ nữ là rất hay nhưng khó phát triển rộng bởi chưa có biện pháp chế tài. Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh, từ năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó túi ni lông thuộc diện chịu thuế với mức 30.000 - 50.000 đồng/kg. Theo đó, các loại túi ni lông đều thuộc diện chịu thuế, trừ bao bì ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện môi trường. Hiện nay, các siêu thị, trung tâm thương mại đang đi đầu trong lĩnh vực này. Bà Đoàn Thị Thọ - Giám đốc Trung tâm Thương mại Maximark Nha Trang cho biết, đơn vị đã sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường từ khi thành lập, áp dụng cho toàn hệ thống. Giá thành loại bao bì này khá đắt, 110.000 đồng/kg nhưng vì mục đích bảo vệ môi trường nên đơn vị quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, do giá thành cao nên việc sử dụng túi ni lông tự hủy chưa được nhân rộng đại trà bên ngoài siêu thị.


Theo Tiến sĩ Ngô Đăng Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học và môi trường, Trường Đại học Nha Trang, các loại bao bì tự hủy có nguồn gốc sinh học như: xen-lu-lô, tinh bột... gần giống với các polyme làm từ dầu mỏ nhưng dễ dàng phân hủy bởi vi sinh vật. Vì vậy, chúng rất thích hợp cho việc sản xuất bao bì tự  hủy, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, giá thành sản xuất loại bao bì này còn cao nên chưa được phổ biến rộng rãi. “Cần tăng cường giáo dục người dân về tác hại của túi ni lông, khuyến khích sử dụng hạn chế, sử dụng nhiều lần để giảm chi phí và giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các nhà máy tái chế bao bì hoặc chế biến thành các sản phẩm tái sử dụng nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường... Có như vậy, hiểm họa ô nhiễm môi trường từ túi ni lông mới được khắc phục” - Tiến sĩ Nghĩa nói.


PHÚ LÂM