11:03, 19/03/2015

Nan giải việc xử lý rác sinh hoạt

Tuy có nhiều chuyển biến trong việc thu gom rác nhưng xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) vẫn đang gặp khó trong công tác xử lý rác sinh hoạt tại các thôn đảo.

Tuy có nhiều chuyển biến trong việc thu gom rác nhưng xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) vẫn đang gặp khó trong công tác xử lý rác sinh hoạt tại các thôn đảo.

Việc thu gom rác tại các thôn trong đất liền có nhiều chuyển biến.
Việc thu gom rác tại các thôn trong đất liền có nhiều chuyển biến.


Theo ông Trương Thái Hùng - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, việc thu gom rác tại các thôn trong đất liền là Đầm Môn và Vĩnh Yên có nhiều chuyển biến vì đã tổ chức được việc thu gom, vận chuyển rác. Huyện cho phép xã mua sắm phương tiện thu gom, vận chuyển rác ra bãi rác tạm, xe của Công ty Cổ phần đô thị Vạn Ninh sẽ vận chuyển rác về bãi rác của huyện. Xã đã triển khai mua sắm phương tiện (6 xe rác và 15 thùng đựng rác) bố trí tại các thôn, kể cả các thôn đảo và thành lập các đội thu gom, vận chuyển rác tại thôn. Trong khi đó, tại các thôn đảo việc thu gom rác lại đang gặp khó, xã đang bàn tính việc có nên vận chuyển rác vào đất liền hay tự tiêu hủy tại chỗ.


Vạn Thạnh có 4 thôn đảo là: Khải Lương, Ninh Đảo, Ninh Tân và Điệp Sơn với mật độ dân cư khá cao (thôn cao nhất hơn 300 hộ, thấp nhất gần 100 hộ) nhưng sống rải rác nên công tác thu gom, vận chuyển rác gặp khó khăn. Mới đây, xã triển khai phương án thu gom, vận chuyển rác, các thôn đảo được cấp phương tiện phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác, tuy nhiên kết quả còn hạn chế.


Ông Phan Thành Liêm - Trưởng thôn Ninh Tân cho biết, sau khi tiếp nhận phương tiện, thôn Ninh Tân vẫn chưa thể triển khai việc thu gom, vận chuyển rác bởi bà con cho rằng nhà gần khu vực rừng núi, chưa có nhu cầu thu gom, vận chuyển rác, hộ tự tiêu hủy. Ninh Tân có 2 khu vực dân cư cách nhau nên việc tập hợp khó khăn, thôn chưa quy hoạch được bãi rác. Do vậy, tỷ lệ hộ dân tham gia rất thấp, chỉ đạt 10% tổng số hộ, chủ yếu là những hộ gần đường đi. Đóng góp ít, thôn sẽ khó triển khai công tác này bởi nếu có thực hiện thì cũng không đủ kinh phí để trả thù lao. Trước tình hình đó, thôn tạm thời giao phương tiện cho cá nhân sử dụng.


 Ông Liêm thừa nhận, môi trường trên đảo ngày một xấu đi là do người dân thiếu ý thức, tự ý đổ rác bừa bãi. Bên cạnh đó, các lồng bè nuôi tôm hùm lồng xâm canh trong khu vực biển thải rác, bao bì thức ăn nuôi tôm xuống biển bị sóng đánh dạt vào bờ gây ô nhiễm. Trước Tết, thôn đã vận động người dân vệ sinh bãi biển xung quanh đảo, tuy nhiên việc bảo vệ cảnh quan, hạn chế ô nhiễm môi trường còn nhiều khó khăn. Cũng theo ông Liêm, thôn dự định sẽ xây một lò đốt rác thủ công bằng gạch, sử dụng nhiên liệu như củi, dầu đốt, với kinh phí khoảng 10 triệu đồng để chủ động việc tiêu hủy rác. Thôn sẽ vận động người dân đưa rác tới đổ và thuê nhân công tiêu hủy.


Trong khi đó, việc đưa rác vào bờ sẽ không khả thi bởi việc vận chuyển sẽ gặp khó khăn và chi phí lớn, chưa kể rác sẽ vương vãi trên đường tập kết gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Nếu tiêu hủy tại chỗ thì cũng chưa ổn bởi kinh phí đầu tư cho một lò đốt bảo đảm vệ sinh môi trường không nhỏ. Còn sử dụng lò đốt thủ công thì sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Từ thực tế trên, bài toán xử lý rác sinh hoạt cho Vạn Thạnh cần được các cấp, ngành quan tâm, có giải pháp thỏa đáng.


P.L