10:03, 19/03/2015

Những giải pháp cơ bản bảo vệ tài nguyên nước

Nhân Ngày Nước thế giới 22-3, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.

Nhân Ngày Nước thế giới 22-3, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Mai Xuân Hưng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) xung quanh vấn đề này.


- Xin ông cho biết, chủ đề của Ngày Nước thế giới năm nay là gì?


- Hàng năm, Liên hợp quốc lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Nước thế giới để phản ánh những khía cạnh khác nhau về nước. Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm nay là: “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”.


Với chủ đề trên, Ngày Nước thế giới năm 2015 hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng về mối liên hệ giữa phát triển bền vững tài nguyên nước với các thông điệp: Nước giúp nâng cao chất lượng cuộc sống; nước đảm bảo đa dạng sinh học; nước đảm bảo cho quá trình đô thị hóa thành công; càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, càng cần nhiều nước; nước đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia…


- Nước đóng vai trò quan trọng trong đời sống và sản xuất. Vậy các tổ chức, cá nhân cần phải làm gì để bảo vệ, giữ gìn nguồn nước bền vững, thưa ông?   


-Theo quy định của Luật Tài nguyên nước, để bảo vệ tài nguyên nước, giữ gìn nguồn nước bền vững, các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm: Thường xuyên bảo vệ nguồn nước do mình khai thác, sử dụng, đồng thời có quyền giám sát những hành vi, hiện tượng gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước của tổ chức, cá nhân khác. Người phát hiện hành vi gây tổn hại đến an toàn nguồn nước có trách nhiệm ngăn chặn và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kịp thời xử lý. Hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tuân thủ quy hoạch tài nguyên nước, nếu làm suy giảm chức năng của nguồn nước, gây sụt, lún đất, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước phải có trách nhiệm khắc phục, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển phải có phương án, trang thiết bị, nhân lực bảo đảm phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm nước biển. Nguồn thải từ các hoạt động vùng ven biển, hải đảo và các hoạt động trên biển phải được kiểm soát, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải vào biển. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước dưới đất; thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; xử lý nền móng công trình và các hoạt động khoan, đào khác phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất, trám lấp giếng sau khi đã sử dụng xong; khai thác khoáng sản, xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất. Quy hoạch đô thị, khu dân cư, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, làng nghề … phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải phù hợp với quy mô xả nước thải, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước và phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trước khi trình phê duyệt.…


 - Một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng khô hạn. Ngành TN-MT có giải pháp gì để việc khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, thưa ông?


- Những năm gần đây, Khánh Hòa chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. So sánh chuỗi số liệu chuẩn 1980 - 1999 và thời gian gần đây (2000 - 2013) thì nhiệt độ trung bình năm của khu vực Khánh Hòa tăng lên 0,40C. Lượng mưa có xu hướng giảm dẫn đến các hiện tượng cực đoan như: khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ, năm 2014, tổng lượng mưa thiếu hụt từ 35 - 64% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa 2 tháng đầu năm 2015 cũng thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Dòng chảy trên các sông 2 tháng đầu năm 2015 thiếu hụt khoảng 70 - 85% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.


Để ứng phó với khô hạn, biến đổi khí hậu, ngành TN-MT đã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn, tham mưu UBND tỉnh cấp 35 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; 89 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất phục vụ cho các mục đích sản xuất và sinh hoạt. Việc cấp phép hoạt động tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu quả việc sử dụng nước, góp phần thu ngân sách nhà nước trong hoạt động khai thác tài nguyên; đồng thời tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, tiết kiệm. Ngành TN-MT đang thực hiện một số giải pháp cơ bản bảo vệ tài nguyên nước như: Điều tra, đánh giá và lập quy hoạch, phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn TP. Nha Trang; điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tại các vùng ven biển trên địa bàn tỉnh (trừ TP. Nha Trang); điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước mặt để lập danh mục các nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt, đề xuất biện pháp khắc phục, xử lý; đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến tài nguyên nước; tham mưu phân cấp quản lý hoạt động khai thác tài nguyên nước…


- Xin cảm ơn ông!


Vĩnh Lạc (Thực hiện)