Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, hiện trạng môi trường khu vực Mỹ Giang - Hòn Đỏ - Bãi Cỏ (Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) chưa bị ô nhiễm, các tác động xấu đến môi trường do hoạt động phát triển kinh tế vẫn nằm dưới dạng nguy cơ, rủi ro có thể kiểm soát được.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, hiện trạng môi trường khu vực Mỹ Giang - Hòn Đỏ - Bãi Cỏ (Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) chưa bị ô nhiễm, các tác động xấu đến môi trường do hoạt động phát triển kinh tế vẫn nằm dưới dạng nguy cơ, rủi ro có thể kiểm soát được.
Đó là kết quả nghiên cứu đề tài cấp tỉnh “Điều tra điều kiện hải văn, động lực khu vực Mỹ Giang - Hòn Đỏ - Bãi Cỏ phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường (BVMT) Khu Kinh tế Vân Phong” do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng (Viện Khí tượng Thủy văn, Hải văn và Môi trường) làm chủ nhiệm, vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu loại khá.
Nguồn ô nhiễm khu vực nghiên cứu không cao
Theo kết quả thống kê, lấy mẫu phân tích, nghiên cứu cho thấy chất lượng môi trường khu vực Mỹ Giang - Hòn Đỏ - Bãi Cỏ chưa bị ô nhiễm, chất lượng nước biển trong khu vực được xem xét còn khá tốt, nồng độ các chất dinh dưỡng và kim loại nặng thường xuyên nằm trong phạm vi cho phép. Tại khu vực này, các nguồn thải ảnh hưởng đến chất lượng môi trường gồm: từ hoạt động công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt - nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải, từ sinh hoạt người dân... Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy, nguồn thải khu vực nghiên cứu còn nhỏ. Nguồn ô nhiễm khu vực nghiên cứu nhỏ và dòng chảy ven bờ với vận tốc lớn nên các chất ô nhiễm hầu như bị pha loãng nhanh, vùng ven bờ chỉ bị ô nhiễm tức thời, còn trong thời gian dài thì nồng độ chất ô nhiễm không cao.
Dự báo khả năng rủi ro về môi trường tại khu vực này, nhóm thực hiện đề tài cảnh báo các tác động xấu đến môi trường như nguy cơ ô nhiễm nitrat rất đáng quan tâm, nguy cơ ô nhiễm các chất hữu cơ tại vịnh Vân Phong khá cao, nhất là những chất hữu cơ khó phân hủy, ô nhiễm dầu mỡ nặng tại các bãi tắm. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thời gian tới, khi nhà máy nhiệt điện Vân Phong đi vào hoạt động, khu vực này tiếp nhận một lượng lớn nước làm mát của nhà máy nhiệt điện cũng như các nhà máy khác, do đó cần di dời thảm cỏ biển ở Mỹ Giang đến nơi khác để bảo tồn nguồn gen.
Nhiều nhóm giải pháp
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài đề xuất một số giải pháp phục vụ công tác quản lý, khai thác và sử dụng bền vững khu vực Mỹ Giang - Hòn Đỏ - Bãi Cỏ cũng như đề xuất các giải pháp giảm thiểu, phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường dựa trên những luận cứ về hiện trạng chất lượng môi trường, thống kê các nguồn thải, phân tích nguyên nhân xả thải ảnh hưởng đến môi trường biển ven bờ và dự báo chất lượng nước đến năm 2030. Nhóm giải pháp về quản lý, khai thác và sử dụng gồm: Kiểm tra, giám sát nhà máy đã đi vào hoạt động; đánh giá chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án chuẩn bị triển khai; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong giám sát môi trường; rà soát, điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế đi đôi với BVMT; xây dựng chương trình quản lý và quan trắc môi trường; giáo dục nâng cao khả năng BVMT. Các giải pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường gồm: Các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; các giải pháp phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường; giải pháp về cơ chế chính sách.
Theo các nhà nghiên cứu, trong quá trình hoạt động của cảng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (hiện nay), tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong và trung tâm công nghiệp hóa dầu (tương lai)... có thể gây ra sự cố môi trường như tràn dầu, tràn hóa chất. Kế hoạch ứng phó với sự cố tràn dầu cần có các nội dung cụ thể: Xác định các khu vực nhạy cảm tràn dầu trong khu vực và vùng lân cận, phân loại tất cả các tai nạn có thể xảy ra khi vận hành dự án; xây dựng, tính toán mô phỏng các sự cố tràn dầu để có thể lường trước mức độ nghiêm trọng khi sự cố xảy ra và phương án khắc phục; thiết lập các đội phản ứng nhanh thường xuyên tổ chức diễn tập sẵn sàng ứng phó với sự cố; xác định nguồn nhân lực và thiết bị có thể huy động trong trường hợp khẩn cấp...
Đề tài đã đưa ra bộ số liệu về điều kiện hải văn, thủy văn, động lực khu vực Mỹ Giang - Hòn Đỏ - Bãi Cỏ phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khu vực này nói riêng và phía Nam vịnh Vân Phong nói chung cũng như công tác quản lý và BVMT Khu Kinh tế Vân Phong, phù hợp với định hướng BVMT và phát triển chung của toàn vùng.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh đánh giá đề tài đã hoàn thành đầy đủ mục tiêu theo đề cương được phê duyệt. Việc triển khai đề tài được tiến hành nghiêm túc, áp dụng các công cụ khảo sát và nghiên cứu phù hợp, hiện đại, kết quả có độ tin cậy cao. Hội đồng đề nghị nhóm thực hiện đề tài cần cụ thể hóa nội dung và hình thức chuyển giao kết quả đề tài phục vụ công tác quản lý và BVMT Khu Kinh tế Vân Phong.
N.D