06:06, 05/06/2014

Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn

Hiện nay, diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh đang bị thu hẹp, việc phục hồi còn hạn chế. Trước tình hình trên, tỉnh đã xây dựng Dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, nhưng dự án đang gặp khó khăn về vốn.

Hiện nay, diện tích rừng ngập mặn (RNM) trên địa bàn tỉnh đang bị thu hẹp, việc phục hồi còn hạn chế. Trước tình hình trên, tỉnh đã xây dựng Dự án phục hồi và phát triển RNM, nhưng dự án đang gặp khó khăn về vốn.


Chung tay giữ gìn rừng ngập mặn


Xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) được xem là nơi đi đầu trong phong trào phục hồi RNM. Theo ông Võ Đình Long, cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã, trước năm 1975, rừng đước của xã có diện tích gần 200ha, trải dài từ núi Rọ Tượng đến núi Giả. Năm 1985, khi phong trào nuôi tôm công nghiệp phát triển, nhiều người đã phá rừng đước làm đìa tôm, thu hẹp diện tích RNM, các loài chim, cò không còn nơi sinh sống đã bỏ đi, các loài thủy sinh bị hủy diệt. Những năm 1990, khi nghề nuôi tôm đi vào thoái trào, bệnh trên tôm nuôi bùng phát, người dân mới thấy được tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng đước nên bắt đầu tái tạo rừng đước.


Ông Hồ Minh Hiệp, nông dân xã Ninh Ích chia sẻ: “Tôi là một trong những hộ đầu tiên tại Ninh Ích trồng lại rừng đước. Năm 1990, gia đình tôi trồng 1,5ha tại thôn Ngọc Diêm, năm 2009 mở rộng thêm 2ha tại Hòn Cò và 2ha tại Ngọc Diêm. Tuy vậy, việc tái tạo rừng đước gặp nhiều khó khăn do một số người dân đi đào con phi, con móng tay làm đước non bị chết. Đước sẽ còn hao hụt nhiều nếu quản lý không tốt”.

 

Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5-6
Phục hồi rừng ngập mặn phát triển du lịch tại xã Vĩnh Thái (TP. Nha Trang).


Từ năm 2006 - 2008, các tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản đến thăm rừng đước, ngỏ ý tài trợ cho xã và một số nơi khác phục hồi rừng đước. Ngành Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cũng đẩy mạnh phục hồi RNM. Đến nay, xã Ninh Ích có hơn 20ha rừng đước được phục hồi. Các động vật thủy sinh phát triển trở lại, đàn chim trời, cò bắt đầu kéo về cư ngụ.


Tại thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh), việc phục hồi rừng bần ven biển hàng trăm năm tuổi cũng có bước tiến đáng kể. Dải rừng bần bị thu hẹp chỉ còn vài chục mét bề ngang, nhưng nhờ xây dựng được tổ tuần tra, việc phá rừng làm đìa hay xây cất trái phép đã được ngăn chặn kịp thời. Mới đây, Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện đề tài “Triển khai các mô hình phục hồi, quản lý RNM và thảm cỏ biển tại khu vực đầm Thủy Triều, huyện Cam Lâm”, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp chung tay phục hồi RNM.


Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), việc khôi phục, trồng mới RNM những năm gần đây có tín hiệu đáng mừng, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, các địa phương và hộ dân ven biển. 10 năm, toàn tỉnh đã phục hồi gần 80ha diện tích RNM. Tuy nhiên, hiện nay việc phục hồi RNM còn nhiều khó khăn do các hoạt động của con người như phá RNM, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, xây dựng các công trình dân sinh; mô hình trồng, quản lý rừng tự nhiên và rừng trồng còn ít; năng suất, lợi nhuận từ RNM còn thấp; thiếu quy trình, biện pháp, nguồn giống; chưa tạo được động lực cho người dân đầu tư...  


Đợi vốn


Thực hiện Chủ trương phục hồi và phát triển RNM ven biển giai đoạn 2008 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã xây dựng Dự án phục hồi và phát triển RNM ven biển giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, tỉnh đề xuất quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) với tổng diện tích 681ha, trong đó, đất đã có RNM là 78ha và dự kiến diện tích trồng mới 600ha. Quy mô đó tuy chưa hoàn toàn phủ kín địa bàn tỉnh nhưng cơ bản tạo ra “lá phổi xanh” quanh các vùng ven biển. Các giải pháp kỹ thuật là: Trồng mới RNM phòng hộ chắn sóng, lấn biển bằng các loài cây: bần chua, bần trắng, đước đôi, đước xanh và mấm biển... Bên cạnh đó, trồng, chăm sóc RNM phân tán; tạo luồng lạch cho tàu thuyền lưu thông; đề xuất xây dựng 3 vườn ươm cây giống (0,3 - 0,5ha/vườn) tại Vạn Thọ (Vạn Ninh), Ninh Ích (Ninh Hòa) và Cam Hải Đông (Cam Lâm)... Trên cơ sở đó, xây dựng các chính sách nhằm thu hút người dân bảo vệ và phát triển RNM, đồng thời huy động các nguồn vốn, kể cả viện trợ quốc tế để bảo vệ và phát triển RNM. Nhu cầu vốn toàn bộ dự án hơn 23 tỷ đồng, trong đó chi phí trực tiếp cho công tác trồng, chăm sóc rừng mới và bảo vệ rừng hơn 16 tỷ đồng; phân theo chu kỳ đầu tư: năm 2014: 11,5 tỷ đồng; năm 2015: 11,8 tỷ đồng.


Mới đây, Bộ TN-MT đề xuất thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với Sở NN-PTNT hoàn chỉnh, bổ sung các nội dung liên quan trên cơ sở Dự án phục hồi và phát triển RNM tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 trình Bộ TN-MT. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Hà, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở TN-MT), đến nay Bộ vẫn chưa có vốn bố trí.


P.L