Những nghiên cứu khoa học mới đây đã góp phần khẳng định tính đa dạng sinh học cao của rừng Khánh Hòa, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển.
Những nghiên cứu khoa học mới đây đã góp phần khẳng định tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao của rừng Khánh Hòa, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển.
Đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH rừng Khánh Hòa” do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Viện Sinh thái học miền Nam (TP. Hồ Chí Minh) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thực hiện trong 2 năm 2012 - 2013 đã khẳng định, rừng Khánh Hòa có tính ĐDSH cao.
Theo đề tài này, Khánh Hòa có hệ sinh thái rừng kín thường xanh nhiệt đới và á nhiệt đới với thành phần loài cây phong phú và đa dạng. Ngoài ra còn có hệ sinh thái rừng khô hạn và rừng ngập mặn không kém yếu tố đặc thù. Số loài thực vật tổng hợp lên đến 2.142 loài, trong đó khoảng 100 loài ghi nhận mới. Ngoài cây Dó bầu nổi tiếng, Khánh Hòa còn được thế giới ca ngợi về loài lan Hài Hồng, được nhân giống phát triển tại nhiều nước. Loài này tưởng chừng bị tuyệt chủng nay vừa tìm thấy tại Khánh Vĩnh. Gần đây, nhóm Vani được lan truyền và thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu cũng xuất phát từ Khánh Hòa, chiếm 5/6 loài Vani của Việt Nam. Bán đảo Cam Ranh có 2 nguồn gen độc đáo của Việt Nam và thế giới, đó là Chai lá cong và Sao lá tim. Loài Thông 2 lá dẹt từng được các nhà thực vật học quan tâm nay ghi nhận thêm vùng phân bố mới ở Khánh Hòa. Tại Hòn Hèo, các nhà khoa học đã khảo sát 1 quần thể Thông nhựa rất đặc sắc, có nhiều điểm khác biệt so với quần thể Thông nhựa tại Ba Cụm (Khánh Sơn). Đây là nguồn gen quý hiếm cần được nghiên cứu, phát triển.
Đến nay, các nguồn gen đặc hữu mang tên các địa danh của Khánh Hòa và người có liên quan được xác nhận đến 50 loài Hùng lan Yangbay, Sồi Yersin... Đặt biệt, 2 năm gần đây, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã phát hiện và công bố 8 loài mới, trong đó có 5 loài thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà: Dẻ, Giom, Minh Điền, Nam tinh.... Đến nay, đã ghi nhận 2.142 loài thực vật thuộc 235 họ; 77 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Các loài thực vật đa dạng về giá trị sử dụng như làm gỗ: Giáng hương, Gõ mật, Gõ đỏ, Mun, Sơn huyết, Pơ mu...; cung cấp hương liệu, dược phẩm: Ba gạc, Bá bịnh, Ngũ gia bì, Thổ phục linh, Xáo tam phân...; cây cảnh: Lộc vừng, Linh sam, Tuế lược, Vàng anh, Mai vàng, Đỗ quyên, Đa si..
Về động vật có 507 loài, thuộc 112 họ. Lớp thú có 9 loài quý hiếm được ghi nhận. Kết quả khảo sát cho thấy, loài Chà vá chân đen có phân bố rộng gần như tất cả các khu vực rừng trong tỉnh. Loài Vượn đen má hung và Cu ly cũng được ghi nhận ở một vài địa phương. Với những kết quả ban đầu, Khánh Hòa được đánh giá là địa bàn quan trọng trong việc bảo tồn các loài thú quý hiếm, đặc biệt là loài linh trưởng. Bò sát có 42 loài, thuộc 8 họ, trong đó có 5 loài quý hiếm. Nhóm lưỡng cư ghi nhận 41 loài thuộc 7 họ, trong đó có 4 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới...
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho rằng, hiện nay, việc quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội phát triển thủy điện sẽ tác động rất lớn đến tài nguyên và tính ĐDSH của rừng Khánh Hòa, vì vậy cần có giải pháp bảo tồn và phát triển.
Theo Kỹ sư Trần Giỏi - Chi cục Lâm nghiệp, Sở NN-PTNT: Mục tiêu ưu tiên là rà soát và bổ sung quy hoạch rừng đặc dụng, trước mắt đề xuất 2 khu vực tiềm năng cao về ĐDSH là khu vực Sơn Thái - Giang Ly (thành Khu dự trữ thiên nhiên) và khu vực Hòn Hèo (thành Khu bảo tồn loài và sinh cảnh); phục hồi và phát triển bền vững rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, xây dựng hành lang ĐDSH nằm trong chiến lược bảo tồn ĐDSH, trước mắt đề xuất 2 khu vực: Vùng giáp ranh huyện Khánh Vĩnh nối liền Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sinh (Đắk Lắk) và VQG Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), vùng giáp ranh huyện Khánh Sơn nối liền VQG Phước Bình (Ninh Thuận); ưu tiên bảo tồn 77 loài thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới cùng nhóm linh trưởng; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH rừng Khánh Hòa làm cơ sở bảo tồn và phát triển sinh vật rừng...
P.L