Nồng độ khí ozone (O3) trong các thành phố càng tăng thì nguy cơ tim ngừng đập đột ngột càng lớn.
Nồng độ khí ozone (O3) trong các thành phố càng tăng thì nguy cơ tim ngừng đập đột ngột càng lớn.
Katherine Ensor, một nhà thống kê của Đại học Rice tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp phân tích dữ liệu về hơn 11.600 người từng trải qua tình trạng tim ngừng đập tại thành phố Houston, bang Texas, Mỹ từ năm 2004 tới 2011. Nhóm nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu về nồng độ khí ozone - thành phần chính của khói lẫn sương - từ 44 trạm theo dõi không khí trong thành phố, Livescience đưa tin.
Kết quả phân tích cho thấy nếu nồng độ ozone tăng thêm 20 phần tỷ trong vòng ba giờ thì nguy cơ tim ngừng đập của con người tăng thêm 3-4%.
"Vào những tháng mùa hè, nồng độ ozone trong thành phố Houston thường tăng thêm khoảng 60 tới 80 phần tỷ trong ba giờ", Ensor phát biểu.
Tim của khoảng 1.400 người tại thành phố Houston ngừng đập bên ngoài bệnh viện và chừng 1.260 người trong số đó tử vong.
"Nếu phát hiện của chúng tôi đúng, khoảng 45 người tại Houston đã chết do nồng độ khí ozone tăng", Ensor nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, Ensor nói rằng nghiên cứu của bà chỉ tìm ra mối liên hệ giữa khí ozone và nguy cơ tim ngừng đập, chứ không thể chứng minh rằng sự tăng nồng độ ozone làm tăng nguy cơ tim ngừng đập.
"Nguy cơ tim ngừng đập tăng cao nhất ở nam giới, người Mỹ gốc Phi và người già", Ensor nói.
Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ cho biết, khí ozone hình thành khi các chất gây ô nhiễm không khí tương tác với nhau dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Vì thế nồng độ khí ozone vào ban ngày luôn cao hơn ban đêm. Trong thiên nhiên, khí ozone hình thành khi những tia sét xuất hiện. Một số thiết bị, như tivi và máy photocopy, cũng tạo ra khí ozone. Nếu hít phải khí ozone, con người sẽ cảm thấy đau ở ngực, ho và ngứa ở họng.
Theo tiêu chuẩn của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ, nồng độ ozone trong các thành phố không được phép vượt quá 75 phần tỷ (nghĩa là dưới 75 phân tử ozone trong một tỷ phân tử không khí).
Thoe khoahoc.com.vn