21:47, 16/10/2023

Đề xuất tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong lĩnh vực khoáng sản

Mới đây, tại TP. Nha Trang, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Tại hội thảo, Sở TN-MT Khánh Hòa đã nêu những điểm còn bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản và kiến nghị những giải pháp tháo gỡ.

Còn nhiều bất cập, vướng mắc

Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản (diễn ra ngày 13-10), ông Cao Thanh Vũ - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, những năm qua, trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã phát sinh những bất cập, khó khăn và vướng mắc. Cụ thể, về công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng đất đối với các khu vực mỏ được đấu giá. Từ đó, dẫn đến việc các nhà đầu tư tham gia đấu giá và cơ quan tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản không có cơ sở triển khai thực hiện gây nên sự xung đột về quyền lợi giữa tổ chức trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản và tổ chức, cá nhân sử dụng đất.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép, đặc biệt đối với các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như đất, cát vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, đất san lấp (vật liệu san nền) hiện nay chưa được quy định cụ thể là “khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường” theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Khoáng sản 2010, dẫn đến khó khăn trong công tác tham mưu, xử lý vi phạm hành chính và hướng dẫn việc sử dụng vật liệu dôi dư từ hoạt động cải tạo đất, cải tạo mặt bằng, thi công san gạt mặt bằng của các tổ chức, cá nhân. Các khu vực đã được khoanh vùng quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản thường bị chồng lấn và ảnh hưởng bởi các quy hoạch ngành khác, trong đó liên quan nhiều nhất là quy hoạch lâm nghiệp và quy hoạch đất an ninh - quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải thực hiện qua nhiều bộ thủ tục hành chính liên quan: Cấp giấy phép thăm dò, ban hành quyết định phê duyệt trữ lượng, báo cáo Đánh giá tác động môi trường, cấp chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, hoàn thiện xây dựng cơ bản mỏ (bao gồm các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xây dựng, công thương và hoàn thành thủ tục đất đai, giao đất, thuê đất). Về mặt trình tự đã được quy định cụ thể, nhưng trong thực tế phát sinh nhiều bất cập dẫn đến thời gian để cấp giấy phép khai thác khoáng sản thường bị kéo dài (2 - 5 năm).

Kiến nghị tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Theo ông Vũ, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ yếu là đất, đá, cát, sỏi; trong đó đất san lấp và cát, sỏi lòng sông được xác định là nguồn vật liệu không thể thiếu và luôn gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, trình tự thủ tục và phương pháp quản lý, cấp phép còn dài, nhiều khâu, nhiều bước, dẫn đến khó quản lý và cấp phép, gây ra tình trạng khai thác trái phép nhằm đảm bảo nguồn cung tức thời. Do đó, Sở TN-MT kiến nghị Bộ TN-MT xem xét xây dựng quy trình cấp phép đơn giản, ngắn gọn và giảm thủ tục hành chính; tăng cường các biện pháp giám sát, thống kê trữ lượng cấp phép và khai thác nhằm đáp ứng được thời gian, tiến độ của các dự án đầu tư công khi triển khai thực hiện.

Hoạt động khai thác ở một mỏ khoáng sản ở huyện Diên Khánh.
Hoạt động khai thác ở một mỏ khoáng sản ở huyện Diên Khánh.

Lãnh đạo Sở TN-MT kiến nghị, dự thảo luật cần có sự phân cấp mạnh mẽ hơn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương, nhất là UBND cấp huyện. Điều này nhằm tạo điều kiện để địa phương được quyền xem xét cấp phép, quản lý các trường hợp sử dụng nguồn khoáng sản (đất, cát) của các hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo được tính pháp lý khi xử lý những trường hợp cải tạo đất, sử dụng đất có phát sinh nguồn vật liệu dôi dư. Đồng thời, cần quy định rõ việc bảo vệ tài nguyên ở các khu vực, vị trí đã được phê duyệt vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản bằng hình thức, phương thức quản lý, chế tài xử lý cụ thể; định hướng sử dụng đất ở các khu vực đã được khoanh vùng vào quy hoạch để vừa đảm bảo được lợi ích của tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất, vừa đảm bảo được công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở khu vực đó. Đối với trình tự, thủ tục liên quan đến việc cấp chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Sở TN-MT kiến nghị bỏ chứng nhận đầu tư cho dự án khai thác khoáng sản đơn giản (mỏ đất, mỏ cát, mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường) mà không phải xây dựng nhà máy chế biến. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 65 điểm, mỏ đã được cấp giấy phép khai thác, chủ yếu là đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Tổng diện tích đã cấp giấy phép khai thác hơn 884,3ha, đạt 63% diện tích thăm dò đã được phê duyệt; trữ lượng được cấp phép khai thác là 182.651.857m3 đạt 54% trữ lượng thăm dò đã được phê duyệt. Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ, số giấy phép khai thác đã được Bộ TN-MT, Bộ Công nghiệp (trước đây) cấp phép là 27 giấy phép, gồm: Đá ốp lát 14, cát trắng thủy tinh 2, nước khoáng 11. Nguồn thu từ thuế tài nguyên hàng năm trung bình từ 50 đến 60 tỷ đồng; nguồn thu tiền cấp quyền trung bình hàng năm 20 - 25 tỷ đồng; nguồn thu phí bảo vệ môi trường từ 15 đến 25 tỷ đồng.

THÁI THỊNH