20:34, 05/02/2024

Sẽ dạy tiếng Ê đê trong trường học ở xã Ninh Tây

HỒNG ĐĂNG 

Thực hiện chương trình nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) trong chương trình giáo dục phổ thông, những năm tới, chương trình dạy tiếng Ê đê sẽ được tổ chức trên địa bàn xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa). Trao đổi về nội dung này, ông Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết:

Ông Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa
Ông Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa

- Theo Chương trình "Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022, có 8 tiếng DTTS được đưa vào môn học trong chương trình giáo dục phổ thông đó là: Bahnar, Chăm, Ê đê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái.

Trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có xã Ninh Tây có đông đồng bào dân tộc Ê đê. Do đó, thị xã đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2023 - 2030" trên địa bàn thị xã Ninh Hòa. Cụ thể là triển khai thực hiện chương trình dạy tiếng Ê đê cho các học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn xã Ninh Tây và các đối tượng khác có nhu cầu, nguyện vọng.

- Thực trạng việc dạy và học tiếng Ê đê trên địa bàn xã Ninh Tây hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Xã Ninh Tây có Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây. Trong tổng số 612 học sinh của trường, có 202 học sinh tiểu học và 75 học sinh THCS là người dân tộc Ê đê. Thời gian qua, việc dạy và học tiếng Ê đê trên địa bàn xã Ninh Tây chưa được thực hiện. Đến nay, chưa có trường nào trên địa bàn thị xã thực hiện giảng dạy tiếng DTTS cho học sinh trong nhà trường. Việc Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây không tổ chức dạy và học tiếng DTTS có nhiều lý do. Trước hết, mặc dù tiếng Ê đê đã được ban hành chữ viết thống nhất chung cả nước song trên địa bàn thị xã chưa có giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, đủ điều kiện để dạy tiếng Ê đê. Ngoài ra, theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tiếng DTTS là môn tự chọn (không phải môn học bắt buộc), nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn các ngoại ngữ khác, chẳng hạn như tiếng Anh để học thay vì chọn tiếng DTTS. Đồng thời, chưa có chính sách đặc thù cho việc dạy và học tiếng DTTS nói chung, tiếng Ê đê nói riêng nên chưa thu hút được giáo viên và học sinh.

- Việc tổ chức dạy và học tiếng DTTS nhằm mục đích gì, thưa ông?

- Việc dạy tiếng DTTS nói chung và Ê đê nói riêng trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm góp phần phát huy, gìn giữ các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng của dân tộc Ê đê trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tổ chức tốt việc dạy và học tiếng Ê đê còn là cơ sở để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trên nền tảng tiếng mẹ đẻ của người học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chống tái mù chữ của chính dân tộc mình. Các học sinh, nhất là học sinh người Ê đê thường xuyên rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Ê đê trong nhà trường còn góp phần rèn luyện tư duy và học tốt môn tiếng Việt cũng như các môn học khác.

- Với ý nghĩa đó, việc triển khai dạy tiếng Ê đê trên địa bàn thị xã Ninh Hòa sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Trong năm học 2023 - 2024, thị xã tập trung tổ chức cho giáo viên tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về dạy học tiếng Ê đê; triển khai tổ chức dạy và học các môn tiếng Ê đê tại Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây khi có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất; đảm bảo đủ sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học từ lớp 1 đến lớp 5 đối với tiếng Ê đê; trang bị các thiết bị dạy học, cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Ê đê cấp tiểu học. Thị xã đặt mục tiêu đến năm 2025, đảm bảo có đủ số lượng giáo viên để giảng dạy tiếng Ê đê cấp tiểu học theo nhu cầu của học sinh, địa phương, nhà trường; 100% giáo viên dạy tiếng Ê đê được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong giảng dạy. Đồng thời, công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy tiếng Ê đê cho cấp THCS cũng sẽ được tiến hành trong giai đoạn này.

Đến năm 2030, việc dạy học tiếng Ê đê được triển khai tại các trường học cấp tiểu học, THCS, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú thị xã. Thị xã sẽ phấn đấu đào tạo đủ số lượng giáo viên giảng dạy tiếng Ê đê đạt chuẩn theo nhu cầu thực tế; đảm bảo đủ sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng Ê đê cấp tiểu học và THCS.

- Xin cảm ơn ông!

HỒNG ĐĂNG (Thực hiện)