21:27, 21/12/2023

Khánh Vĩnh: Học sinh sẽ được dạy tiếng dân tộc thiểu số 

H.NGÂN

UBND huyện Khánh Vĩnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện đang chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2025 triển khai dạy tiếng Raglai và Ê đê cho học sinh (HS), trước mắt là dạy cấp tiểu học.

Góp phần giữ gìn ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Lê Minh Trung - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Khánh Vĩnh cho biết, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếng DTTS là môn tự chọn, với 8 thứ tiếng. Tại Khánh Vĩnh, tập trung đông người đồng bào DTTS Raglai và Ê đê. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa ban hành bộ chữ tiếng dân tộc Raglai; còn tiếng Ê đê đã có chữ viết thống nhất chung cả nước, song toàn ngành chưa có giáo viên nào được đào tạo, bồi dưỡng để dạy. Do đó, thời gian qua, trên địa bàn huyện chưa có trường nào triển khai dạy tiếng DTTS. Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có chính sách đặc thù cho việc dạy và học tiếng Raglai, Ê đê nên chưa thu hút việc dạy và học của giáo viên và HS. Tháng 4-2022, Bộ GD-ĐT ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030”. Do đó, mới đây, huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình.

Học sinh người dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh.
Học sinh người dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh.

Dạy học tiếng DTTS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa của các DTTS. Đây cũng là cơ sở để tăng cường tiếng Việt cho HS trên nền tảng tiếng mẹ đẻ của người học, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chống tái mù chữ của chính dân tộc mình. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho HS phổ thông là người DTTS có nguyện vọng, nhu cầu được học tiếng DTTS. Mục tiêu trong kế hoạch của huyện Khánh Vĩnh là đến năm 2025, sẽ triển khai hiệu quả tổ chức dạy học tiếng Raglai, Ê đê tại các trường tiểu học có đông HS là người DTTS; đến năm 2030 dạy tại các trường cấp tiểu học, THCS, phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông nhiều cấp học.

Chuẩn bị các nguồn lực

Để thực hiện nhiệm vụ đề ra, Phòng GD-ĐT huyện sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, UBND các xã đảm bảo nguồn lực xây dựng nhân lực, cơ sở vật chất. Trong đó, phòng tham mưu cơ quan có thẩm quyền bổ sung biên chế để các trường có đủ giáo viên đảm nhận dạy các môn tiếng DTTS. Đồng thời, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng Raglai và Ê đê; đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy học; đảm bảo đủ 100% sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn, trang thiết bị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho nhà trường.

Ông Lê Minh Trung cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, lộ trình dạy tiếng DTTS gồm bậc A và bậc B. Bậc A (trình độ A1, A2) tương ứng với giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và THCS), bậc B (trình độ B) tương ứng với giai đoạn giáo dục hướng nghiệp (THPT). Trong đó, cấp tiểu học học 2 tiết/tuần; cấp THCS, THPT học 3 tiết/tuần. Ngành GD-ĐT huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về dạy học tiếng Raglai, Ê đê; đồng thời nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách phù hợp để thu hút người dạy và người học. Phấn đấu đến năm 2025, huyện có đủ số lượng giáo viên để giảng dạy tiếng DTTS theo nhu cầu đăng ký của HS, đến năm 2030 có 35% giáo viên dạy tiếng DTTS được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn trình độ.

Huyện Khánh Vĩnh hiện có 15 trường tiểu học với tổng số 4.552 HS, trong đó có 3.642 HS người DTTS (Raglai chiếm 69,2%; Ê đê chiếm 5,7%); có 7 trường THCS với tổng số 2.414 HS, trong đó có 2.078 HS người DTTS (Raglai chiếm 62,8%; Ê đê chiếm 5,7%).

H.NGÂN