21:28, 17/11/2023

Nặng lòng với trẻ mầm non

THIỀU HOA - HOÀNG NGÂN

Tất bật đón trẻ từ sáng sớm, chỉ trả trẻ khi cha mẹ các cháu tan làm, các cô giáo mầm non được coi như người mẹ thứ hai của trẻ. Dẫu biết nghề lắm vất vả, nhưng các cô vẫn lựa chọn gắn bó, đó chỉ có thể "vì yêu các con", như lời bài hát "Tâm tình cô giáo mầm non" (nhạc Lê Thống Nhất, lời Phan Quỳnh Anh).

Cô và cháu Trường Mầm non 3-2 (TP. Nha Trang).

Dù công việc vất vả...

Sáng đầu tuần, trời Nha Trang mờ mịt, biển đục ngầu, con đò chở cô Nguyễn Thị Thanh Mận dập dềnh trên biển hướng về điểm trường Vũng Ngán (trên đảo Hòn Tre) của Trường Mầm non Vĩnh Nguyên 2 (phường Vĩnh Nguyên). Điểm trường tuy không quá xa đất liền và đã được xây lại khang trang hơn từ năm học 2013 - 2014, nhưng khó khăn thì vẫn chưa hết. Nguồn điện năng lượng mặt trời chỉ có chừng 3 giờ buổi tối, chập chờn mỗi khi trời mưa; nước sạch cũng thiếu; nhà công vụ cho giáo viên chưa có, các cô vẫn phải ở phòng học của các cháu... Nhưng với cô Mận, chừng đó chẳng thấm tháp gì so với hồi năm 1999, khi cô mới ra đảo. Cô kể, khi đó, đảo không có điện, không trạm y tế, không Internet. Buổi chiều dạy xong, các cô vội lo kiếm củi, nhóm lửa nấu ăn. Tối đến thì thắp đèn dầu soạn giáo án; trời nóng mấy cũng chỉ được làm bạn với quạt tay; đồ ăn không thể bảo quản bằng tủ lạnh, trong khi thực phẩm ngoài đảo đắt hơn trong đất liền. Đã vậy, cả tuần chỉ có một chuyến đò dân sinh, trưa thứ Hai chở người kèm đủ thứ tương cà, mắm muối, rau, gạo, đá lạnh..., sáng thứ Bảy mới quay về bờ. Ra đảo trên con đò nhồi lắc, có cô say sóng tới chiều...

Cô giáo Trường Mầm non 2-8 chơi cùng các bé.
Cô giáo Trường Mầm non 2-8 chơi cùng các bé.

Cô Lê Thị Hồng Minh (Trường Mầm non Vĩnh Nguyên 2) tâm sự, nhiều người nói giáo viên mầm non chỉ đơn giản trông trẻ, cho trẻ ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân, múa hát vài bài, mà không biết đây là nghề nhiều vất vả. 6 giờ 30 đón trẻ thì 6 giờ hơn các cô phải có mặt để lau chùi, dọn phòng, chuẩn bị bàn ghế. Đón trẻ xong lại lo cho trẻ ăn sáng, dạy học, dạy chơi. Sau giờ ăn trưa, các cô lại vệ sinh, dọn phòng, kê sạp, trải mành cho trẻ đi ngủ… Giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ dành, chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ của trẻ. Đó là chưa kể việc trang trí lớp, làm đồ chơi, đồ dùng dạy học hàng ngày, tổ chức hoạt động trải nghiệm, soạn giáo án... Nhiều cô phải tranh thủ cuối tuần cắt, dán, tô vẽ chai lọ, mảnh bìa để làm đồ chơi.

Cô Bùi Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Nguyên 2 cho biết, trường phải luân phiên đưa giáo viên ra đảo hàng năm, mỗi năm 4 cô. Tuy nhiên, cả trường chỉ có 16 giáo viên nên thời gian "vòng quay" đi đảo rất ngắn; đã có cô phải xin chuyển trường vì không thể sắp xếp được việc nhà. Trong khi đó, thu nhập của các cô lại không cao; khoản phụ cấp đứng lớp ngoài đảo bằng 50% mức lương cơ bản.

Cô Lường Thị Thanh cùng các bé trong giờ học.
Cô Lường Thị Thanh cùng các bé trong giờ học.

Còn cô Minh trải lòng: "Ở trường, đa số cô lập gia đình muộn, lấy chồng bộ đội, nhiều cô ra đảo phải mang theo con nhỏ vì không có người trông coi. Công việc vất vả, thời gian dành cho trường rất nhiều nên các cô ít có thời gian chăm sóc gia đình. Đôi khi, phụ huynh bận, báo đón con trễ, các cô phải nán lại trông trẻ, trong khi con mình vẫn còn chờ ở trường khác chưa được đón...".  

... Vẫn yêu từng đôi mắt sáng

Chúng tôi tới Trường Mầm non 2-8 (huyện Khánh Vĩnh) vào đúng đợt mưa lớn, nhưng không khí trong lớp học vẫn rất sôi nổi. Cô Lường Thị Thanh bước vào lớp trong bộ đồ chú hề, vui vẻ nhảy múa trong tiếng nhạc rộn ràng. Sau phút đầu bất ngờ, cả lớp ồ lên thích thú, cười nắc nẻ, tranh nhau đu bám chú hề. Chú hề lăn một hình tròn bằng gỗ khắp lớp, rồi đố cả lớp biết hình gì. Nhiều cánh tay giơ lên, những đôi mắt đen láy nhìn chú hề không chớp, những cái miệng tròn vo tranh nhau trả lời, rồi cười tít khi được khen thưởng. Mục tiêu bài học môn Toán đã hoàn thành, nhưng cô giáo mướt mồ hôi trong bộ quần áo chú hề. Cô Thanh cười: "Các bé mầm non thích chơi, thích những gì mới lạ, hấp dẫn, nhưng cũng rất mau chán. Bởi vậy, các cô phải cho các bé "học mà chơi, chơi mà học". Các cô phải luôn sáng tạo để thu hút trẻ; thường xuyên làm đồ chơi, đồ dùng mới. Có những món đồ chơi làm hàng tuần chỉ dùng một lần, nhưng miễn sao các bé thích và tiếp nhận được bài học là các cô vui rồi".

Cô và cháu Trường Mầm non Vĩnh Nguyên 2 cùng ca múa.

Tình yêu với trẻ là lý do lớn nhất để cô Thanh theo nghề 10 năm nay. Cô kể, những ngày đầu đi dạy, cô không khỏi lúng túng vì trẻ em dân tộc thiểu số chưa nói sõi tiếng Việt, cô trò không hiểu nhau. Nhưng từng ngày tìm hiểu, biết thêm tâm tính trẻ, cô càng thương và hiểu trò hơn. Các cô vui khi các bé biết cách tô những con vật ngộ nghĩnh, hay hát líu lo. Cô khóc vì hạnh phúc khi các bé biết nói nhớ cô sau 2 ngày nghỉ cuối tuần, có bé còn đến tận nhà thăm cô vì nghe tin cô ốm. "Nhìn vào những đôi mắt đen tròn trong veo đó, tôi thấy yêu nghề biết bao!", cô Thanh tâm sự.

Cũng bởi lòng yêu trẻ, cô Nguyễn Thị Bích Thảo (Trường Mầm non Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) đã chọn làm cô giáo mầm non. Công tác tại trường được 9 năm thì chừng đó thời gian cô được phân công dạy lớp 25 - 36 tháng tuổi. Những ngày đầu, bé nào cũng “nước mắt nhạt nhòa”, mè nheo, nức nở, nhưng rồi thân quen cô lúc nào chẳng biết. Các con đã biết tự rửa tay, lau mặt, giữ vệ sinh cá nhân, thu dọn đồ chơi, bỏ rác vào thùng, trải nệm đi ngủ…, những việc tưởng chừng nhỏ bé ấy đủ khiến cô thêm yêu nghề đã chọn.

Cô Nguyễn Thị Băng Trâm - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 2-8 nhớ lại, hồi mới đi dạy ở xã Liên Sang (Khánh Vĩnh), các cô đang tất bật chuẩn bị cho lễ tổng kết năm học thì một bé lớp 3 - 4 tuổi rụt rè đến tặng cô hộp sữa. "Hồi đó, các gia đình ở miền núi rất khó khăn, trẻ em hầu như không được uống sữa, vậy mà bé vẫn sẵn sàng đem tặng cô, đủ biết trẻ yêu mến cô biết bao. Tôi nhận cho bé vui, rồi cho lại bé. Nhìn bé vui vẻ cắm ống hút uống hộp sữa ngon lành, tôi thấy rưng rưng trong lòng…", cô Trâm nói.

Ở tuổi 45, cô Mận vẫn thầm cảm ơn nghề đã cho cô nhiều cung bậc cảm xúc. Cô tâm sự, những ngày khó khăn trước đây, cô từng nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Nhưng nhớ nụ cười hồn nhiên của các bé khi được cô cho bịch chè, cái bánh, chiếc kẹo mỗi lần ra đảo; nhớ sự thay đổi từng ngày của trẻ nhờ được dạy dỗ; nhớ tình cảm chân thành, hồn hậu của người dân khi đùm cho cô ít cá khô mang về đất liền; nhớ những dòng tin nhắn hỏi thăm qua Facebook của các trò cũ…, cô lại có động lực gắn bó với nghề, lại tình nguyện ra đảo dù đã có hơn 20 năm cộng dồn thời gian dạy ở đảo.

Có lẽ, đơn giản bởi các cô đã quá "yêu thương những đôi môi đỏ, những đôi má tròn, yêu từng đôi mắt sáng", như lời ca mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết tặng các cô giáo mầm non.

Ông ĐỖ HỮU QUỲNH - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Vừa qua, tại cuộc gặp gỡ trực tuyến với các nhà giáo trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, bước đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã thống nhất sẽ đề xuất tăng thêm 10% phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non. Trong góp ý điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó có chế độ nghỉ hưu phù hợp. Nếu được chấp nhận, giáo viên mầm non sẽ có thêm động lực gắn bó với nghề.

THIỀU HOA - HOÀNG NGÂN