21:29, 19/11/2023

Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2023)
Nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo

H.NGÂN

Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

- Qua 3 năm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ông đánh giá như thế nào về khả năng đáp ứng những yêu cầu đổi mới giáo dục của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) trên địa bàn tỉnh?

- Toàn tỉnh có 534 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, với 22.126 cán bộ quản lý, GV, nhân viên (công lập 18.775 người, ngoài công lập 3.351 người), trong đó có 1.182 cán bộ quản lý giáo dục các cấp, 15.589 GV, 5.355 nhân viên. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh phần lớn là những nhà giáo có năng lực, năng động, thích ứng nhanh với sự đổi mới của GD-ĐT. Nhiều cán bộ quản lý, GV đã nỗ lực vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, tâm huyết với nghề.

Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã triển khai công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, góp phần nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Đến nay, đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh đã hoàn thành bồi dưỡng các mô đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đổi mới cách thức tiếp cận trong giảng dạy và giáo dục.

Một tiết học tại Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang).
Một tiết học tại Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang).

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn bộ phận cán bộ quản lý, GV chưa theo kịp yêu cầu đổi mới; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Ngành cũng đang đứng trước khó khăn về áp lực tinh gọn bộ máy (giảm 10% tổng số đơn vị sự nghiệp) và tinh giản biên chế (giảm 10% số lượng người làm việc) theo lộ trình của Chính phủ. Ở một số trường, một số bộ môn vẫn xảy ra tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ. Sở GD-ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành rà soát số lượng GV thiếu, thừa từng năm học và thực hiện thuyên chuyển GV. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tuyển dụng GV trên cơ sở số lượng người làm việc được giao cho năm học 2023 - 2024. Trong thời gian chờ tuyển dụng, các trường đã thực hiện hợp đồng thỉnh giảng GV để đảm bảo hoạt động dạy và học. Hiện nay, UBND thị xã Ninh Hòa đã hoàn thành công tác sát hạch của kỳ tuyển dụng viên chức sự nghiệp GD-ĐT năm 2023; UBND TP. Nha Trang đang triển khai tiếp nhận, thẩm định hồ sơ người dự tuyển trong kỳ tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục; UBND các huyện Khánh Sơn và Diên Khánh đã công bố kế hoạch tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục.

- Nhằm tiếp tục thực hiện tốt lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Ngành luôn xác định đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt, có tính quyết định đến thành quả của sự nghiệp GD-ĐT. Vì vậy, ngành sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, GV theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Theo kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, mục tiêu đến năm 2025, 100% GV toàn tỉnh sẽ đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, Sở GD-ĐT sẽ đề xuất với Bộ GD-ĐT hoặc hợp đồng với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có chức năng, kinh nghiệm và uy tín để tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, GV. Trong đó, nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công việc để thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đầu mỗi năm học, Bộ GD-ĐT cần có những buổi hội thảo để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, trải nghiệm thực tế cho đội ngũ nhà giáo về nội dung các môn học: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục địa phương; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm tại các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần xây dựng bổ sung hệ thống học liệu số hóa tương ứng với các mô đun bồi dưỡng cùng với hệ thống câu hỏi, bài tập kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng; đẩy mạnh tự chủ giáo dục theo lộ trình, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn; có chế độ khuyến khích cán bộ quản lý, GV tự đào tạo nâng cao trình độ; hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo từng cấp học, như: Chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng…

- Xin cảm ơn ông!

H.NGÂN (Thực hiện)