Thông qua hình thức sân khấu hóa, vẽ tranh, trải nghiệm thực tế…, các trường đã có nhiều hình thức tiếp cận, đổi mới, sáng tạo trong việc dạy và học môn Ngữ văn. Qua đó, góp phần khơi gợi niềm yêu thích văn chương, nghệ thuật, tạo sự hứng thú, giúp văn học thêm gần gũi, dễ hiểu với học sinh.
Thông qua hình thức sân khấu hóa, vẽ tranh, trải nghiệm thực tế…, các trường đã có nhiều hình thức tiếp cận, đổi mới, sáng tạo trong việc dạy và học môn Ngữ văn. Qua đó, góp phần khơi gợi niềm yêu thích văn chương, nghệ thuật, tạo sự hứng thú, giúp văn học thêm gần gũi, dễ hiểu với học sinh.
Học mà chơi, chơi mà học
Chương trình ngoại khóa “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” năm học 2022 - 2023, do Tổ Văn - Nghệ thuật Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (TP. Nha Trang) tổ chức là một trong những hoạt động như vậy. Theo đó, 4 tiết mục của 4 đội đến từ 8 lớp đã được đầu tư, chuẩn bị bài bản, mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Bài thơ Bánh trôi nước của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được sân khấu hóa với những điệu múa uyển chuyển, duyên dáng của các nữ sinh. Hoạt cảnh Bánh chưng, bánh giầy lại mang đến cho học sinh cảm nhận lắng đọng, sâu sắc về ý nghĩa của hai loại bánh truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Năm ông thầy bói mù trong tiểu phẩm Thầy bói xem voi đã mang đến không khí vui nhộn và phê phán thói mê tín dị đoan. Còn hoạt cảnh Con Rồng, cháu Tiên được dàn dựng công phu, khơi dậy cho học sinh niềm tự hào về nguồn gốc cao quý của dân tộc. Em Trần Nguyễn Gia Hòa, lớp 9/2 chia sẻ: “Trước khi lên kịch bản tiểu phẩm, chúng em phải tìm hiểu kỹ tác phẩm, hiểu rõ nội dung, từ đó mới xây dựng nhân vật, bối cảnh, diễn biến câu chuyện, viết lời thoại, chuẩn bị đạo cụ... sao cho nổi bật được chủ đề câu chuyện, truyền tải thông điệp một cách hấp dẫn. Cách học này giúp chúng em hiểu bài học hơn và thêm yêu thích môn Ngữ văn”.
Ngoài phần thi sân khấu hóa, nhà trường còn phát động cuộc thi vẽ tranh “Tác phẩm văn học qua sắc màu hội họa”, minh họa một đoạn trích của tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn. Hơn 30 tác phẩm dự thi được gửi về, gồm tranh vẽ trên khổ giấy A3 và tập truyện tranh trên khổ giấy A4. Đáng chú ý là 2 tập truyện tranh Chiếc lược ngà của nhóm học sinh lớp 9/3. Thông qua những hình ảnh, màu sắc tươi sáng, lời kể ngắn gọn, dễ hiểu, cách trình bày sinh động, đẹp mắt, câu chuyện về tình cảm của bé Thu với người cha nơi chiến khu trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã được tiếp cận theo một cách mới, khơi dậy sự hứng thú cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thục Viên, Tổ trưởng Tổ Văn - Nghệ thuật Trường THCS Nguyễn Viết Xuân cho biết, có nhiều cách đổi mới hình thức dạy và học Ngữ văn. Giáo viên đã tổ chức các trò chơi học tập; các gameshow nhỏ, như: “Đấu trường Ngữ văn”, “Rung chuông vàng”; hay các chuyến tham quan dã ngoại cho học sinh gắn với nội dung bài học. Vừa qua, trong chuyến tham quan Làng nghề Trường Sơn (Nha Trang), những dòng thư pháp Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết trên hơn 500 quả bầu hồ lô trưng bày tại đây đã được các cô giáo của trường vận dụng để tổ chức trò chơi đố Kiều cho học sinh lớp 9. Hay khi tham quan mô hình chiếc thuyền, giáo viên liên tưởng, lồng ghép đến bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận trong chương trình THCS môn Ngữ văn.
Linh hoạt cách tiếp cận
Chuyên đề ngoại khóa “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” cũng vừa được Tổ Ngữ văn Trường THPT Dân lập Lê Thánh Tôn (Nha Trang) tổ chức. Học sinh của từng lớp lựa chọn những tác phẩm Ngữ văn, trích đoạn văn học trong chương trình để chuyển thể sang hình thức sân khấu. Các tiết mục: Thị Màu lên chùa, Trống cơm, Chiếc lược ngà đã làm cho bài học thêm gần gũi, sống động, dễ ghi nhớ. Học sinh lớp 10 Anh 2, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Nha Trang) thì lại có cách biến tấu bài thơ Chiếc lá đầu tiên của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua cách vẽ tranh, thiết kế hình ảnh những thước phim gắn với nội dung tác phẩm, chuyển ngữ bài thơ từ tiếng Việt sang tiếng Anh, góp phần làm phong phú thêm cách tiếp cận môn Ngữ văn trong nhà trường…
Theo ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, môn Ngữ văn trong trường phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng tăng cường đổi mới về phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Trong đó, dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận, rèn kỹ năng cảm thụ thẩm mỹ cho học sinh. Không có phương pháp chung nhất cho mọi giáo viên mà tùy vào điều kiện nhà trường và khả năng của học sinh để giáo viên linh hoạt xây dựng cách giảng dạy phù hợp, nhằm khơi gợi cho các em sự hứng thú trong học tập và phát huy tối đa khả năng sáng tạo.
H.NGÂN