Trong xu thế hiện nay, thư viện trường học buộc phải đổi mới theo hướng xây dựng môi trường đọc hiện đại, tiện ích, ứng dụng công nghệ số. Có như vậy mới có thể thu hút học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, các trường còn gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại…
Trong xu thế hiện nay, thư viện trường học buộc phải đổi mới theo hướng xây dựng môi trường đọc hiện đại, tiện ích, ứng dụng công nghệ số. Có như vậy mới có thể thu hút học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, các trường còn gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại…
Thói quen đọc sách đã thay đổi
Những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thư viện, đầu tư kinh phí bổ sung sách, báo, tạp chí và tổ chức các hoạt động giới thiệu sách, điểm sách, phát thanh măng non, ngoại khóa thi đua tìm hiểu về sách, vẽ tranh, kể chuyện theo sách…; phục vụ bạn đọc dưới nhiều hình thức, như: Kho mở, thư viện xanh, thư viện góc lớp, thư viện di động. Ở cấp tiểu học, cán bộ thư viện đã thực hiện 2 tiết đọc thư viện/tuần…
Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thực tế hiện nay, đa số học sinh không có thói quen đọc sách giấy và tìm kiếm thông tin theo cách truyền thống. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, tài liệu của nhiều thư viện không phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu, không được bổ sung thường xuyên, thiếu máy tính kết nối Internet, nhiều trường chưa bố trí được kinh phí tổ chức nhiều hoạt động thư viện… Ngoài ra, hiện nay chưa có văn bản quy định cán bộ thư viện được hưởng chế độ đứng lớp như giáo viên cũng ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện.
Thư viện của Trường THCS Nguyễn Hiền, huyện Cam Lâm được tận dụng từ một phòng học cũ. Hàng năm, nhà trường đều bổ sung các đầu sách, thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc, đưa nội dung này vào thi đua, đầu tư trang trí thư viện trở nên thân thiện… Tuy nhiên, theo thầy Võ Nam Khánh - Hiệu trưởng nhà trường, khó khăn lớn nhất trong phát triển văn hóa đọc hiện nay là học sinh ít có thói quen đọc sách giấy. Đa số các em có điện thoại thông minh, có thể truy cập mạng Internet nên dễ dàng tìm kiếm các thông tin. Tuy thư viện trường đã bố trí 2 máy tính để học sinh tra cứu nhưng hầu như rất ít em sử dụng hoặc chỉ vào để giải trí. Trường chưa có thư viện điện tử, phần mềm chuyển đổi số chủ yếu phục vụ cho công tác quản lý đầu sách, lượt đọc, việc mượn trả sách… chứ chưa phát triển được các đầu sách điện tử. Đây là một khó khăn lớn khi phát triển văn hóa đọc trong xu thế hiện nay.
Cần thực hiện nhiều giải pháp
Theo ông Lê Đình Thuần, trong thời đại công nghệ số, thư viện trường học cần được đầu tư theo hướng cung cấp môi trường đọc hiện đại, tiện ích, đẩy mạnh truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ các thư viện số dùng chung để có nguồn tài liệu phong phú. Cán bộ quản lý và nhân viên thư viện cũng cần được nâng cao trình độ, đặc biệt là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thư viện. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, các trường còn gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại… Một số nơi đã đầu tư, trang bị theo hướng xây dựng thư viện điện tử, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu máy tính truy cập Internet và thiếu nhiều đầu sách điện tử.
Bên cạnh đó, để thu hút học sinh đến thư viện, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường cần quan tâm phát triển hệ thống thư viện xanh, thân thiện, lưu động và luân chuyển nguồn thông tin giữa các thư viện góc lớp, các điểm trường và các trường với nhau. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giới thiệu thư viện, chương trình giao lưu, mở chuyên đề đa dạng, hấp dẫn, như: Thi kể chuyện, giới thiệu sách, thi đọc diễn cảm, vẽ nhân vật, vẽ tranh theo sách, sắm vai, diễn kịch, thi làm hướng dẫn viên du lịch (giới thiệu về quê hương, danh lam thắng cảnh, làng nghề, di tích lịch sử...). Ngoài ra, có thể phát động phong trào quyên góp sách, tìm chọn tên sách cho thư viện, tổ chức các câu lạc bộ, hội sách, các hoạt động có sự tham gia của các diễn giả, người truyền cảm hứng đọc sách, biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt và có những sáng kiến, đóng góp tích cực cho hoạt động thư viện…
Ở cấp tiểu học, toàn tỉnh có 140 máy tính để truy cập tại phòng đọc thư viện (cần thêm 212 máy); 4.210 bản sách, tài liệu điện tử (cần thêm 6.571 bản). Khối THCS có 156 máy (cần thêm 145 máy), 22.101 bản sách, tài liệu điện tử (cần thêm 5.741 bản). Khối THPT có 34 máy (cần thêm 34 máy); hơn 7.000 bản sách, tài liệu điện tử (cần thêm 60 bản). ______________________________________
|
H.NGÂN