10:12, 01/12/2022

Tăng cường kiểm soát bữa ăn bán trú

Sự việc hàng trăm học sinh Trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm vừa qua cho thấy, chất lượng bữa ăn bán trú trong nhà trường cần được quan tâm đúng mức hơn. Các cấp quản lý cũng như trường học phải chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm.

Sự việc hàng trăm học sinh (HS) Trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm vừa qua cho thấy, chất lượng bữa ăn bán trú trong nhà trường cần được quan tâm đúng mức hơn. Các cấp quản lý cũng như trường học phải chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm.


Phải đảm bảo đủ các điều kiện


Tổ chức cho HS ăn bán trú tại trường là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, nhằm đáp ứng nhu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho HS học 2 buổi/ngày, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục ngoài học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, áp dụng từ năm học 2022-2023 đến 2025-2026. Trong đó, có quy định mức thu tối đa đối với dịch vụ bán trú và hỗ trợ bán trú. Riêng các cơ sở giáo dục ngoài công lập, mức thu do nhà trường thống nhất với phụ huynh HS.

 

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang kiểm tra bếp ăn bán trú  tại một trường mầm non tư thục.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang kiểm tra bếp ăn bán trú tại một trường mầm non tư thục.


Bên cạnh đó, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có những quy định cụ thể đối với các cơ sở giáo dục có hoạt động bán trú, bao gồm các điều kiện về cơ sở pháp lý để hoạt động (giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP), cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh môi trường, nguồn nước, điều kiện con người. Người nấu ăn phải được tập huấn về ATTP, có kiến thức về dinh dưỡng để phối hợp cùng nhà trường xây dựng khẩu phần ăn hợp lý, khoa học (đối với cơ sở giáo dục mầm non, nhân viên nấu ăn phải có chứng chỉ nghề nấu ăn); phải được khám sức khỏe, xét nghiệm y tế định kỳ, đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm. Việc ký kết hợp đồng mua sản phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật với các cơ sở, cá nhân phải bảo đảm về ATTP, có đầy đủ phiếu kiểm dịch hoặc xác nhận của địa phương. Suất ăn và tài chính trong ngày phải được niêm yết công khai. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch tổ chức tự kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những biểu hiện sai phạm trong công tác bán trú; các cấp quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường, từ nguồn thực phẩm được cung cấp đến khâu chế biến, phân phối, bảo quản. Trong quá trình kiểm tra, phải chú trọng khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng, thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm nhanh về ATTP, gửi kiểm nghiệm đối với các mẫu thực phẩm có kết quả dương tính khi test nhanh...


Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát


Nhiều phụ huynh cho biết, họ không nắm được hàng ngày con mình ăn uống thế nào, chủ yếu dựa vào niềm tin đối với nhà trường. Do vậy, ngoài việc thông báo thực đơn hàng ngày trên bảng tin như thường lệ, trường cần cung cấp hình ảnh khẩu phần ăn của trẻ làm minh chứng, đồng thời thông tin minh bạch về nguồn cung cấp thực phẩm để phụ huynh yên tâm. Mặt khác, cần có cơ chế cho phụ huynh tham gia giám sát trước khi giao thức ăn đến HS.


Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đa số các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh có tổ chức bán trú đều ký hợp đồng cung ứng thực phẩm giữa doanh nghiệp và nhà trường. Một trong những khó khăn hiện nay là các trường chưa có các công cụ kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm đối với cơ sở cung cấp thực phẩm, chủ yếu chỉ dựa vào sự tín nhiệm và chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền. Qua các đợt kiểm tra hàng năm, bên cạnh các đơn vị thực hiện tốt, sở nhận thấy vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện đúng công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn bán trú. Một số bếp ăn còn chật hẹp, bố trí chưa khoa học; có trường phải mượn nhà văn hóa của phường để làm bếp ăn tạm thời hoặc tận dụng cơ sở cũ cải tạo làm bếp ăn bán trú nên chưa đúng chuẩn bếp một chiều. Có trường bố trí hệ thống xử lý nước thải, nơi để chén, đũa và các vật dụng phục vụ bếp ăn không đảm bảo vệ sinh. Có trường chưa xây dựng thực đơn theo phần mềm cân bằng dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn chưa đảm bảo, hoặc hợp đồng suất ăn nấu sẵn từ bên ngoài với khoảng cách xa nên việc kiểm tra, giám sát và kiểm thực chưa đảm bảo tốt.


Sau sự việc ngộ độc tập thể xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS và cha mẹ HS về việc đảm bảo vệ sinh ATTP. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước (kiểm tra trước khi chế biến, trong quá trình chế biến, trước khi ăn). Bên cạnh đó, các trường cần phối hợp với các cơ sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về ATTP, điều kiện vệ sinh trong trường học, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó khi có ngộ độc thực phẩm, kịp thời báo cáo Sở GD-ĐT để nắm tình hình và có hướng chỉ đạo, xử lý. Sắp tới, sở sẽ phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra công tác tổ chức bán trú, đảm bảo ATTP tại các trường.

 

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 108/187 trường tiểu học tổ chức bán trú, với 45.200 HS tham gia (chiếm 40,4% tổng số HS tiểu học). Ở cấp mầm non, có 509/569 cơ sở giáo dục tổ chức bán trú (198/206 trường và 311/363 nhóm lớp độc lập), với tổng cộng gần 59.000 trẻ ăn bán trú.


H.NGÂN