10:11, 10/11/2022

Quan tâm phát triển giáo dục mầm non

Nghị định 105/2020 của Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực từ ngày 1-11-2020. Trong đó, có nhiều chính sách mới, hỗ trợ đối với giáo dục mầm non ở những vùng khó khăn, khu công nghiệp. Qua 2 năm triển khai, những chính sách đã góp phần hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trong toàn tỉnh Khánh Hòa.

Nghị định 105/2020 của Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non (GDMN) có hiệu lực từ ngày 1-11-2020. Trong đó, có nhiều chính sách mới, hỗ trợ đối với GDMN ở những vùng khó khăn, khu công nghiệp. Qua 2 năm triển khai, những chính sách đã góp phần hỗ trợ phát triển GDMN trong toàn tỉnh Khánh Hòa.


Chính sách cho mầm non vùng khó khăn


Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Nghị định 105 của Chính phủ và tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2021 thực hiện một số chính sách quan trọng theo Nghị định 105. Trên cơ sở đó, sở đã chỉ đạo toàn ngành rà soát, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non theo Nghị định 105 nhằm đảm bảo đúng quy trình, không bỏ sót trường hợp thuộc diện được hưởng. Các huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chính sách theo quy định, góp phần hỗ trợ phát triển chất lượng GDMN trong toàn tỉnh.

 

Cô và cháu Trường Mầm non Họa My (huyện Khánh Vĩnh).

Cô và cháu Trường Mầm non Họa My (huyện Khánh Vĩnh).


Hiện nay, ngoài chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ dân tộc thiểu số (theo Nghị quyết số 17/2012 của HĐND tỉnh), tỉnh còn hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo… theo Nghị định 105. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 2.794 trẻ thuộc đối tượng này được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng; năm học 2021-2022 có 2.038 trẻ được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, năm học 2021-2022, có 85 trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hưởng trợ cấp mức 160.000 đồng/trẻ/tháng.


Bên cạnh đó, tỉnh còn cân đối ngân sách để nâng mức hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non tại cơ sở GDMN công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn. Theo đó, mức hỗ trợ 3.070.000 đồng/tháng/45 trẻ, tăng 670.000 đồng so với mức quy định tại Nghị định 105. Năm học 2020-2021, có 13 trường được hưởng chính sách này với số tiền đã chi trả hơn 297 triệu đồng; năm học 2021-2022 có 26 trường được hỗ trợ, với tổng kinh phí dự kiến hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện chi trả gần 1,4 tỷ đồng.


Giáo viên mầm non dạy lớp ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số cũng được hỗ trợ 450.000 đồng/tháng. Năm học 2020-2021, tỉnh đã thực hiện chi trả cho 96 giáo viên thuộc đối tượng này tại 3 huyện Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; năm học 2021-2022 chi trả cho 123 giáo viên của 6 địa phương (thêm Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh), với tổng kinh phí hơn 333,6 triệu đồng.


Ngoài ra, tỉnh còn ban hành chính sách hỗ trợ đối với cơ sở GDMN độc lập, dân lập, tư thục tại địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp nơi có nhiều lao động với mức 20 triệu đồng/cơ sở; chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại các cơ sở này mức 800.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, địa bàn khu công nghiệp của tỉnh không có nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập, không có giáo viên dạy đối tượng này nên tỉnh chưa chi trả 2 nội dung này.


Kiến nghị hỗ trợ thêm một số đối tượng


Cô Lê Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa My (xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh) cho biết, trường nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn. Nhờ chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo đã góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp. Ngoài ra, còn có các chính sách hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên nấu ăn… Tuy nhiên, hiện nay, chính sách hỗ trợ ăn trưa chỉ quy định đối với trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi), còn trẻ ở độ tuổi nhà trẻ chưa được hỗ trợ. Ngoài ra, do chưa có chế độ hỗ trợ ăn trưa tại trường cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số tham gia lớp tăng cường tiếng Việt trong 2 tháng hè nên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác duy trì sĩ số.


Theo ông Đỗ Hữu Quỳnh, thời gian qua, do nguồn kinh phí hỗ trợ nấu ăn chưa được cấp về địa phương nên một số đơn vị thuộc đối tượng được hưởng chính sách chưa được nhận hỗ trợ; nhà trường phải tạm ứng trước nguồn kinh phí khác để chi trả cho nhân viên nấu ăn. Bên cạnh đó, một số thôn đặc biệt khó khăn có trường mầm non, nhưng xã không thuộc xã đặc biệt khó khăn nên không được hỗ trợ thuê nhân viên nấu ăn cho trẻ ăn bán trú tại trường. Do vậy, nhà trường không thể tổ chức ăn bán trú cho trẻ, dẫn đến tỷ lệ trẻ ra lớp giảm sút so với năm học trước. Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ đối với trường mầm non nằm trên địa bàn các thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn trưa cho trẻ mầm non. Bên cạnh đó, hỗ trợ về cơ sở vật chất cho các cơ sở GDMN độc lập; hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho giáo viên dạy ở các cơ sở mầm non độc lập, tư thục nhằm thu hút nguồn lực cho mầm non ngoài công lập, giảm tải cho khối công lập và đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo đến năm 2030.

 

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 206 trường mầm non (161 trường công lập và 45 trường tư thục), 231 điểm trường lẻ, 406 cơ sở mầm non độc lập tư thục. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 6.658 người.


H.NGÂN