Steam học đường là một thuật ngữ mới trong ngành Giáo dục. Đó là môn học tương tự như những giờ ngoại khóa bởi nó thoát ra khỏi sách giáo khoa, lớp học để đến với thực tế cuộc sống.
Steam học đường là một thuật ngữ mới trong ngành Giáo dục. Đó là môn học tương tự như những giờ ngoại khóa bởi nó thoát ra khỏi sách giáo khoa, lớp học để đến với thực tế cuộc sống.
Thầy Phạm Vũ Thanh An, giáo viên dạy Hóa Trường THCS Võ Văn Ký (TP. Nha Trang) là một trong những giáo viên đầu tiên triển khai áp dụng cho học sinh trường mình. Nhiều chương trình steam: Địa lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử của trường đều được triển khai đều đặn, bài bản ở Đà Lạt, Phan Rang, hay các huyện, thành phố trong tỉnh. Trước khi đưa các em đến khám phá một miền đất lạ, thầy Thanh An luôn đi tiền trạm để lên kịch bản chi tiết. Do đó, tất cả các chuyến đi đều thành công, đem lại những kỷ niệm khó quên đối với nhiều học sinh của trường.
Rồi thầy Thanh An đã lập nhóm “Steam khoa học Nha Trang”. Nhóm nhận được sự ủng hộ rất nhiệt thành của các nhà hảo tâm, phụ huynh và trẻ em. Thầy tổ chức trại hè khoa học đầu tiên ở Nha Trang vào mùa hè năm 2020. Tại đây, các em được trải nghiệm ở đài thiên văn quốc gia Hòn Chồng; theo chân nhà bác học A.Yersin; làm chiến sĩ hải quân tham quan tàu buồm Lê Quý Đôn. Những ngày dịch Covid-19 bùng phát, thầy tổ chức cho nhiều nhóm học sinh ở TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh, Cam Lâm điều chế nước rửa tay diệt khuẩn theo tiêu chuẩn WHO; làm kính chắn giọt bắn để tặng các lực lượng tuyến đầu; tổ chức nhiều chương trình từ thiện trao lương thực, thực phẩm cho người dân nghèo và trẻ em; tổ chức đêm Trung thu ngay ở nơi tâm dịch để tuổi thơ thêm niềm vui.
Nhóm “Steam khoa học Nha Trang” còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: Ngày hội sách - khoa học thiên văn ở Đắk Nông; giao lưu sách - tặng quà ở đảo Vạn Thạnh; ra đảo Bình Ba phổ biến về khoa học môi trường; đến các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm tổ chức ngày hội xuân thả diều, đọc sách, chơi tên lửa nước và tặng quà cho học sinh nghèo; tổ chức ngày hội vui chuyên đề ở Làng Trẻ em SOS... Bên cạnh đó, nhóm có các chương trình hướng dẫn kỹ năng cho trẻ như: Chống đuối nước - nhận biết dòng Rip hay bảo vệ môi trường biển tại bờ biển; bảo vệ môi trường biển tại Viện Hải dương học; rèn luyện sức khỏe, bảo vệ màu xanh cây rừng hàng tuần bằng việc trồng cây trên núi Cô Tiên.
Thầy An chia sẻ, làm công tác giảng dạy gần 20 năm nên thầy hiểu niềm vui của trẻ. Mà trang sách hay giờ học với trẻ ngày hôm nay là chưa đủ, phải bù đắp rất nhiều kiến thức thông qua các chương trình ngoại khóa để trẻ lớn lên với tất cả những kỹ năng sống. Đó chính là đích tới của nền giáo dục hiện đại.
Lê Đức Dương