Là giáo viên chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật, được đào tạo về chuyên ngành Âm ngữ trị liệu, cô Bùi Thị Như Huyền - Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa đã nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất giải pháp: "Xây dựng bài tập cặp âm tối thiểu cho trẻ rối loạn âm lời nói". Giải pháp lần lượt đạt giải Nhì và Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh và toàn quốc 2020 - 2021.
Là giáo viên chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật, được đào tạo về chuyên ngành Âm ngữ trị liệu, cô Bùi Thị Như Huyền - Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa đã nghiên cứu và mạnh dạn đề xuất giải pháp: “Xây dựng bài tập cặp âm tối thiểu cho trẻ rối loạn âm lời nói”. Giải pháp lần lượt đạt giải Nhì và Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh và toàn quốc 2020 - 2021.
Cặp âm tối thiểu là gì?
15 phút theo dõi cô Huyền dạy chỉnh âm cho bé K. - bé bị rối loạn âm lời nói (nói ngọng), phát âm không rõ lời mà hồi hộp. Nhưng cô Huyền rất kiên trì, dựa vào sở thích của bé để tổ chức một số trò chơi khuyến khích bé thực hành bài tập phát âm. Trong quá trình hướng dẫn, cô phối hợp các phương pháp đặc thù trong đó có dùng phương pháp cặp âm tối thiểu. Bên cạnh đó, cô cũng hướng dẫn mẹ bé cách thực thiện các bài tập tại nhà với bé để củng cố các kĩ năng đã có tại nơi học. Theo cô Huyền, trẻ bị rối loạn âm lời nói khó khăn trong việc diễn đạt cho người khác hiểu bằng lời khiến cho trẻ khó làm quen, kết bạn, mặc cảm, tự ti, thiếu niềm vui khi đi học. Vì vậy, nếu được phát hiện sớm và hỗ trợ phù hợp sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ rất nhiều.
Trên thế giới, việc sử dụng cặp âm tối thiểu là một trong những phương pháp trị liệu phổ biến cho trẻ có rối loạn âm lời nói. Về bản chất, phương pháp cặp âm tối thiểu tập trung vào sự khác biệt tương phản giữa các âm vị (giọng nói) để sắp xếp lại hệ thống âm thanh của trẻ. Âm vị có thể khác nhau bởi vị trí phát âm hoặc phương thức cấu âm. Cặp âm tối thiểu là một cặp từ khác nhau bởi 1 âm vị duy nhất và bởi 1 hoặc 2 đặc điểm ngữ âm, tạo ra các cặp từ đồng âm với việc sử dụng gợi ý ngữ dụng điển hình.
Cô Huyền chia sẻ, thời gian trước, trong quá trình giảng dạy trẻ khuyết tật, cô có sử dụng và tạo ra một số cặp âm tối thiểu (phụ âm đầu) dựa vào đặc điểm của từng trường hợp gặp phải và có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, chúng vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, cá biệt. Cô phải mất nhiều thời gian tìm kiếm những cặp âm tối thiểu để hướng dẫn phụ huynh và chia sẻ với đồng nghiệp. Chính vì vậy, cô mạnh dạn đề xuất giải pháp: “Xây dựng bài tập cặp âm tối thiểu cho trẻ rối loạn âm lời nói” với mục tiêu tạo ra nguồn tư liệu hiệu quả, phổ quát, tiện sử dụng nhằm phục vụ cho hoạt động trị liệu cho trẻ có rối loạn âm lời nói.
2 bộ sản phẩm
Trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, cô giáo Huyền đã đúc kết, tạo ra bộ 2 sản phẩm làm cơ sở cho việc tập luyện trẻ rối loạn âm lời nói. Sản phẩm 1 là Sách bài tập cặp âm tối thiểu (phụ âm đầu) trong tiếng Việt dùng như một tài liệu tham khảo không chính thức cho nhà chuyên môn và các đối tượng quan tâm. Sách gồm những nội dung khái quát về phương pháp tiếp cận cặp âm tối thiểu, các bước tiến hành sử dụng, các bài tập về cặp âm tối thiểu và những hình ảnh minh họa cho các cặp từ có chứa cặp âm tối thiểu. Sách được trình bày có tính khoa học, hướng dẫn các bước thực hiện cụ thể, rõ ràng; những cặp từ tương ứng với các cặp âm tối thiểu được chọn là những từ có 1 âm tiết, phổ biến, có nghĩa, phù hợp với mức độ nhận thức của trẻ dưới 6 tuổi. Sản phẩm 2 là Bộ công cụ trị liệu bài tập cặp âm tối thiểu (phụ âm đầu) trong tiếng Việt dùng như công cụ trực quan để thực hành cùng trẻ trong giờ trị liệu theo các bước hướng dẫn trong sách bài tập. Bao gồm 670 thẻ hình minh họa rõ ràng, tường minh về nghĩa, có màu sắc tươi sáng tương ứng 335 cặp từ có nghĩa tương ứng với 67 cặp âm tối thiểu đã được thiết kế và bảng mục lục các cặp âm tối thiểu được đánh theo số thứ tự. Các thẻ hình được sắp xếp hợp lý, dễ tìm kiếm, lưu trữ, bổ sung khi thất lạc, hư hỏng…
Việc xây dựng và sử dụng bài tập cặp âm tối thiểu trong trị liệu cho trẻ có rối loạn âm lời nói là sự vận dụng một trong những phương pháp can thiệp hiệu quả cho trẻ có rối loạn âm lời nói của thế giới vào thực tiễn Việt Nam bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Quá trình xây dựng bài tập đã hệ thống được số lượng cặp âm tối thiểu là phụ âm đầu trong tiếng Việt, lên danh sách hàng trăm cặp từ tối thiểu có nghĩa trong tiếng Việt, tạo nguồn tư liệu tham khảo có tính bao quát trong can thiệp trẻ có rối loạn âm lời nói, góp phần làm phong phú thêm tài nguyên phục vụ cho công tác nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực liên quan.
Hiện nay, bài tập cặp âm tối thiểu đã được chia sẻ đến một số học viên theo học khóa đào tạo về Âm ngữ trị liệu Nhi, một số nhà Âm ngữ trị liệu tại các bệnh viện, đơn vị như: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP. Hồ Chí Minh, đơn vị Can thiệp sớm tại phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch... Từ đó, đã có những phản hồi tích cực, đánh giá tính hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, kinh phí và nâng cao tính chuyên nghiệp...
V.L