11:02, 05/02/2020

Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Những năm qua, việc chăm lo học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi.

Những năm qua, việc chăm lo học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi.


Kết quả khích lệ


Khánh Hòa được coi là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đào tạo nguồn nhân lực để phát triển miền núi và các vùng DTTS. Ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, hàng năm, tỉnh còn thực hiện chế độ trợ cấp kinh phí đi học cho học sinh, sinh viên (HSSV) DTTS ngay từ khi học mẫu giáo đến khi học xong đại học như: miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng và dụng cụ, chi phí học tập… Năm 2019, tổng kinh phí Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã thực hiện chế độ cho HSSV DTTS hơn 1,8 tỷ đồng.

 

Giờ học của học sinh dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh.

Giờ học của học sinh dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh.


Theo ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, thời gian qua, sở đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh triển khai thực hiện và đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập, GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong GD phổ thông đối với đồng bào DTTS. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nâng cao chất lượng học tập; tạo điều kiện thuận lợi để HSSV DTTS được cắp sách đến trường. Đến nay, mạng lưới trường học đã được phủ kín và ngày càng kiên cố, tỷ lệ HS vùng DTTS ra lớp tăng hàng năm, tỷ lệ lưu ban, bỏ học giảm, chất lượng học tập có nhiều tiến bộ.


Những năm qua, bằng nhiều hình thức tuyển sinh và đào tạo như: thi tuyển, cử tuyển, dự bị đại học, tỉnh đã tạo được nguồn nhân lực có tri thức, trình độ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 456 HSSV người DTTS theo học tại 42 trường trung cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học trên cả nước. Trong đó, đại học có 105 em, cao đẳng có 99 em, trung cấp, trung cấp nghề có 252 em. Tỉnh cũng đang tiếp tục phối hợp với các cơ sở GD-ĐT theo chế độ cử tuyển cho SV được cử đi học từ năm 2013. Năm 2019, có 7 SV cử tuyển tốt nghiệp đại học các ngành luật, hành chính, nông lâm đang được các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai bố trí việc làm. Tính đến cuối năm 2019, tỉnh có 10 SV đang theo học chế độ cử tuyển tại các trường đại học.


Việc lựa chọn ngành nghề của HSSV DTTS vài năm trở lại đây đã từng bước đi đúng hướng và phù hợp với nhu cầu xã hội. Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ theo học ngành sư phạm giảm, chỉ còn 14,7%, trong khi đó, tỷ lệ theo học các ngành kỹ thuật tăng lên 62,1%. Ngoài ra, còn có các ngành: y dược, du lịch, kinh tế, luật… Năm học 2018 - 2019, số HSSV đạt kết quả học tập xuất sắc, giỏi, khá là 230 em, tăng 4% so với năm học trước.


Tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hướng nghiệp


Những HSSV DTTS của tỉnh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã góp phần bổ sung đáng kể nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Thầy Y Dũng, người con của đồng bào Ê đê sinh ra tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú thị xã Ninh Hòa chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp ngành Sư phạm Sinh học - Kỹ thuật nông nghiệp năm 2013 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, nay là Trường Đại học Khánh Hòa. Trong những năm tháng còn cắp sách đến trường, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi luôn ý thức chỉ có cố gắng phấn đấu, nỗ lực trong học tập mới có thể tạo ra cho mình cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành về mọi mặt, tôi đã khắc phục khó khăn, tốt nghiệp và trở về quê hương công tác”.


Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp GD miền núi và các vùng đồng bào DTTS bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Trong đó, tiếp tục rà soát thực trạng phát triển của hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, các cơ sở GD vùng DTTS, miền núi. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người dạy, người học và cơ sở GD vùng DTTS; làm tốt công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS; phối hợp thực hiện tốt việc bố trí công tác cho các HSSV sau khi được đào tạo phù hợp với ngành nghề, trình độ…


H.NGÂN