12:12, 30/12/2019

Khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học

Tại hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học do Trường Đại học Khánh Hòa tổ chức mới đây, các sinh viên đã có dịp chia sẻ những kết quả nghiên cứu, đồng thời trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề, phương pháp nghiên cứu khoa học với các sinh viên trong và ngoài trường.

Tại hội nghị sinh viên (SV) nghiên cứu khoa học do Trường Đại học (ĐH) Khánh Hòa tổ chức mới đây, các SV đã có dịp chia sẻ những kết quả nghiên cứu, đồng thời trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề, phương pháp nghiên cứu khoa học với các SV trong và ngoài trường.


Chia sẻ kết quả nghiên cứu


Theo SV Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Du lịch Trường ĐH Khánh Hòa, nhà trường rất quan tâm tới việc rèn kỹ năng nghề cho SV du lịch nói chung và SV chuyên ngành hướng dẫn nói riêng. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh phí còn hạn chế, việc tổ chức các chương trình tham quan thực tế đến tất cả các điểm gặp khó khăn. Nhận thấy sa bàn mô phỏng điểm tham quan là công cụ trợ giảng hiệu quả, Ngọc Anh và các bạn trong nhóm đã chọn đề tài “Xây dựng mô hình sa bàn mô phỏng điểm du lịch - mô hình điển hình Văn Miếu - Quốc Tử Giám” để thực hiện. Tháng 3-2019, nhóm đã đi thực địa để khảo sát các hạng mục kiến trúc, tìm hiểu thông tin, chụp hình, quay phim làm cơ sở xây dựng sa bàn. Sau 9 tháng, nhóm đã hoàn thành sản phẩm. Sa bàn giúp các SV không có điều kiện vẫn có thể có cái nhìn toàn cục về điểm du lịch Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thuyết minh nhiều lần trên sa bàn. Đề tài đã được trao giải nhì tại hội nghị SV nghiên cứu khoa học.

 

Các giảng viên và sinh viên bên cạnh mô hình sa bàn mô phỏng Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Các giảng viên và sinh viên bên cạnh mô hình sa bàn mô phỏng Văn Miếu - Quốc Tử Giám.


PGS.TS Lê Thị Phương Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khánh Hòa cho biết, ban tổ chức hội nghị đã nhận được 27 bài viết đến từ các trường ĐH, học viện trong và ngoài tỉnh như: ĐH Khánh Hòa, Học viện Hải quân, ĐH Khoa học (ĐH Huế), ĐH Quảng Nam, ĐH Tây Nguyên, ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, ĐH Cần Thơ. Tác giả các bài viết là SV thuộc nhiều chuyên ngành đào tạo, nội dung tập trung giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành của SV trong những năm học vừa qua. Đồng thời, đề xuất một số hướng nghiên cứu hoặc vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục, toán học, du lịch, tài chính - ngân hàng. Hội nghị tạo cơ hội sinh hoạt học thuật để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu giữa SV các trường và định hướng nghiên cứu khoa học cho SV.


Tại hội nghị, đề tài “Tác động của khối lượng tìm kiếm trên google lên hoạt động của thị trường cổ phiếu Việt Nam” của SV Phạm Lê Hiếu Nguyên, Khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã được trao giải nhất. Giải ba được trao cho SV Lê Thị Bích Thủy, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn Trường ĐH Khánh Hòa với nghiên cứu “Tín ngưỡng dân gian trong đời sống tinh thần của người Việt”. Ngoài ra, còn có các giải khuyến khích cho các SV. Các giải thưởng do Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học Trường ĐH Khánh Hòa tài trợ.


Tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu


Theo PGS.TS Lê Thị Phương Ngọc, trong các cơ sở giáo dục ĐH, hoạt động nghiên cứu khoa học của SV luôn được chú trọng do mang lại những ý nghĩa thiết thực đối với SV. Bằng nhiều hình thức khác nhau, nghiên cứu khoa học sẽ rèn luyện cho SV khả năng tư duy logic, sáng tạo và phản biện; rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp kiến thức, làm việc nhóm và các kỹ năng khác mà nghề nghiệp yêu cầu. Đặc biệt là nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, có ý thức và thái độ đúng đắn đối với ngành nghề đã chọn.


Thạc sĩ Phạm Quốc Tuấn, Tổ trưởng bộ môn Lữ hành, Khoa Du lịch Trường ĐH Khánh Hòa cho biết, thông thường, SV năm thứ 2 và thứ 3 mới tiến hành nghiên cứu khoa học, sau khi đã hoàn thành một số học phần cơ bản ở năm thứ nhất. Khi bắt tay vào nghiên cứu, SV không tránh khỏi khó khăn, giảng viên cũng gặp khó khăn khi hướng dẫn để SV từng bước làm quen với nghiên cứu, từ việc tới thực địa, làm bảng câu hỏi khảo sát, phỏng vấn các bên liên quan cho đến cách hành văn khi viết đề tài… SV cũng gặp khó khăn do phải học nhiều môn, rồi đi làm thêm nên việc ngồi lại với nhau để thực hiện một đề tài nghiên cứu không dễ.


Theo Thạc sĩ Đỗ Phương Quyên, giảng viên Khoa Du lịch Trường ĐH Khánh Hòa, người hướng dẫn đề tài mô hình sa bàn mô phỏng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khó khăn trong nghiên cứu khoa học của SV là các em chưa có nền tảng, kinh nghiệm nghiên cứu. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ từ nhà trường còn hạn chế, đặc biệt đối với những đề tài làm ra sản phẩm đòi hỏi nhiều chi phí. Vì vậy, để SV tự tin tham gia nghiên cứu khoa học, ngoài việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho SV còn cần sự động viên, khích lệ của giảng viên và sự huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa để tạo điều kiện cho SV nghiên cứu.


H.NGÂN