Các trường cần đổi mới nội dung, phương thức, tăng cường dạy học trải nghiệm, dạy học gắn với thực tiễn... để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
Các trường cần đổi mới nội dung, phương thức, tăng cường dạy học trải nghiệm, dạy học gắn với thực tiễn... để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
Hướng nghiệp còn mơ hồ
Hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông không phải là môn học chính khóa, mà chủ yếu kết nối những nội dung giảng dạy các môn văn hóa với một số nghề, dạy nghề phổ thông và dạy môn công nghệ. Ông Nguyễn Sinh Cung - Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, hiện nay, nhiều giáo viên giáo dục hướng nghiệp các trường phổ thông không hiểu biết về các ngành nghề, kỹ năng tư vấn chọn nghề cho học sinh (HS) còn hạn chế, chủ yếu chỉ căn cứ vào tài liệu hướng nghiệp của Bộ GD-ĐT để lên lớp. Một số Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, Trung tâm giáo dục thường xuyên thiếu giáo viên, chủ yếu là giáo viên các bộ môn văn hóa cấp THPT; còn giáo viên ở các trường phổ thông hầu như không thích bị phân công dạy hướng nghiệp.
Mặt khác, do khó khăn về kinh phí hoạt động nên nhiều trường không mời được các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, không tổ chức tham quan hướng nghiệp cho HS. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở trường THPT chủ yếu mới dừng lại ở việc định hướng HS chọn trường cao đẳng, đại học phù hợp với học lực của từng em. Những buổi tư vấn hướng nghiệp được tổ chức gần kỳ thi chỉ giải đáp những băn khoăn của HS về những quy chế, đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia, thủ tục xét tuyển, chưa có nhiều định hướng về đặc điểm, tính chất và xu hướng của một ngành nghề nào đó trong tương lai.
Giáo viên một trường THPT cho rằng, thời gian dạy giáo dục hướng nghiệp rất ít do áp lực thi cử nhiều. Bên cạnh đó, còn có những hạn chế về cơ sở vật chất, phòng học, năng lực của giáo viên dạy hướng nghiệp do quá trình đào tạo từ trường sư phạm. Thêm nữa, thời gian tiếp cận HS rất ít nên nhiều giáo viên chưa hiểu rõ HS, do vậy gặp khó khăn trong việc tư vấn hướng nghiệp.
Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo Đại học Trường Đại học Nha Trang cho biết, hiện nay, có sự phân hóa rõ nét về nhu cầu chọn ngành nghề. Trong khi đó, HS lại chọn ngành học theo thị hiếu, hiệu ứng đám đông hay hy vọng môi trường làm việc an nhàn, trong khi một số ngành có nhu cầu xã hội nhưng có phần vất vả thì không được quan tâm. Điều này có nguyên nhân từ việc các em chưa được tư vấn, hướng nghiệp đúng đắn.
Tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm
Để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường tích cực đổi mới nội dung, phương thức giáo dục hướng nghiệp, dạy học trải nghiệm, dạy học gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương, dạy học gắn với các di tích lịch sử… một cách thiết thực. Các đơn vị cần xây dựng kế hoạch cho từng học kỳ và từng đối tượng HS; giáo viên soạn bài và dạy kiến thức, kỹ năng qua thực tế, HS phải được làm việc, quan sát, trao đổi... thay vì đơn thuần là dẫn HS đi thực tế chỉ để tham quan, nghe giới thiệu một chiều. Các trường THCS, THPT cũng cần thành lập ban hướng nghiệp để thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp và phân luồng cho HS. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ HS để làm tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
Theo Tiến sĩ Tô Văn Phương, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, người học ra trường phải có kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, đặc biệt là ngoại ngữ. Trách nhiệm của trường đại học và ngành Giáo dục là phải làm tốt công tác định hướng để HS có lựa chọn đúng. Trường Đại học Nha Trang sẵn sàng hỗ trợ các trường phổ thông tổ chức cho HS đến tham quan, tìm hiểu cơ sở vật chất, ngành nghề, khu thí nghiệm thực hành, tổ chức hoạt động trải nghiệm 1 ngày làm sinh viên… nhằm giúp các em có cái nhìn tổng quan về ngành nghề dự định lựa chọn. Trường cũng mong muốn chia sẻ nguồn tri thức từ thư viện số tới giáo viên phổ thông để họ tham khảo các tài liệu liên quan. Đặc biệt, trường đại học và trường phổ thông có thể tổ chức các chương trình giao lưu, kết nghĩa để đa dạng hóa hoạt động, tăng cường sự gắn kết, tương tác giữa HS với sinh viên. Trường cũng có thể cử cán bộ, giảng viên liên quan từng ngành nghề tới trường phổ thông để hỗ trợ các trường…
H.NGÂN