Từ năm học 2019 - 2020, 55 trường tiểu học và 4 trường Trung học cơ sở tổ chức dạy và học theo mô hình Trường học mới trên địa bàn tỉnh chính thức dừng áp dụng mô hình này để chuyển về hình thức dạy học truyền thống.
Từ năm học 2019 - 2020, 55 trường tiểu học và 4 trường THCS tổ chức dạy và học theo mô hình Trường học mới trên địa bàn tỉnh chính thức dừng áp dụng mô hình này để chuyển về hình thức dạy học truyền thống.
Tập huấn cho giáo viên
Khánh Hòa là một trong những tỉnh nhóm đầu của cả nước triển khai thí điểm mô hình Trường học mới từ năm học 2011 - 2012, bắt đầu với 4 trường ở khối 2. Đến năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 55 trường thực hiện trên tổng số hơn 190 trường tiểu học. Ở cấp THCS, tỉnh thực hiện và duy trì mô hình này từ năm học 2014 - 2015 ở 4 trường tại TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh, mỗi trường chỉ thực hiện ở một số lớp.
Mô hình này không thay đổi chương trình học, điểm khác biệt chủ yếu với mô hình truyền thống là phương pháp dạy học, trong đó chú trọng tới khả năng tự học của học sinh (HS) dưới sự hướng dẫn của giáo viên (GV) và sự quản lý của hội đồng tự quản lớp. Tuy nhiên, khi triển khai mô hình Trường học mới, một số trường gặp khó khăn do sĩ số HS đông, có GV chưa bao quát được lớp học, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu…
Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh về chuyển hình thức dạy học theo mô hình Trường học mới về hình thức dạy học hiện hành kể từ năm học 2019 - 2020, sở đã yêu cầu các trường tuyên truyền nội dung trên đến cha mẹ HS từ cuối học kỳ 1 năm học 2018 - 2019. Tháng 8 vừa qua, các trường đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các phương pháp dạy học hiện hành cho tất cả GV trong trường.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường vận dụng những yếu tố tích cực của mô hình Trường học mới vào hoạt động giáo dục của nhà trường nhằm tiếp cận việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong thời gian tới. Trong đó, các trường tiểu học tiếp tục duy trì hình thức tổ chức lớp học có hội đồng tự quản và các ban trong hội đồng tự quản để hình thành và phát triển năng lực tự quản, tự phục vụ, hợp tác, tự giải quyết vấn đề và phẩm chất của HS. Tùy tình hình thực tế của lớp, nội dung, phương pháp giảng dạy, GV bố trí, sắp xếp bàn ghế trong lớp học hợp lý để đảm bảo hiệu quả của giờ dạy và sức khỏe của HS. Trong chương trình Giáo dục phổ thông mới, một số nội dung sẽ tăng cường học theo nhóm để phát triển năng lực hợp tác, giao tiếp của HS. Vì vậy, song song với việc sử dụng phương pháp dạy học hiện hành, sở yêu cầu GV tăng cường và phát huy việc ứng dụng các kỹ thuật, phương pháp dạy học tích cực như: Kỹ thuật nâng cao hiệu quả làm việc nhóm của HS; tổ chức trò chơi khởi động đầu tiết học; sử dụng bộ công cụ theo tiến độ học tập cá nhân để phát triển năng lực tự học của HS trong các tiết luyện tập, ôn tập, ôn luyện buổi 2 của các môn...
Nâng cao năng lực đội ngũ
Theo cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn 1 Diên Khánh (huyện Diên Khánh), mô hình nào cũng có những ưu điểm và hạn chế, điều quan trọng là phải tiết chế được những hạn chế của mô hình hiện hành và phát huy những điểm mạnh của mô hình Trường học mới. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của GV. Thực hiện việc chuyển đổi từ mô hình Trường học mới sang mô hình hiện hành, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động tổ chức tập huấn, báo cáo chuyên đề, minh họa giáo án cho GV. Với một số ý kiến lo ngại HS quay về mô hình hiện hành sẽ bị hổng kiến thức, cô Hoa cho rằng, dù dạy học theo mô hình nào, mỗi môn học đều có những quy trình nhất định; hết một giai đoạn học tập, HS đều có các bài kiểm tra đánh giá năng lực, đề kiểm tra được ra theo 4 mức độ trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng. Tại nhà trường, các bài kiểm tra đều được tổ chức chặt chẽ, ra 2 mã đề với độ khó ngang nhau nên sẽ hạn chế được tình trạng HS bị hổng kiến thức. Tuy nhiên, bước đầu chuyển sang mô hình hiện hành, do HS quen cách hợp tác, trao đổi của phương pháp học nhóm nên còn ít tập trung, nhà trường đã họp với GV để chấn chỉnh điều này.
Cô Nguyễn Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thanh Liêm (TP. Nha Trang) cho biết, đầu tháng 8, nhà trường đã yêu cầu các tổ chuyên môn, GV rà soát việc triển khai mô hình hiện hành với mô hình Trường học mới để xem HS có đủ điều kiện để tham gia học chương trình hiện hành hay không. Nhà trường khẳng định các em đảm bảo đủ kiến thức thức cần thiết để học như HS mô hình hiện hành.
H.NGÂN