09:07, 01/07/2019

Học sinh nghiên cứu thuốc trừ sâu sinh học

Với niềm đam mê nghiên cứu, 2 em Nguyễn Ngọc Ánh Dương và Nguyễn Hoàng Nhật Hiếu, học sinh lớp 9 Trường THCS Võ Văn Ký, TP. Nha Trang đã thực hiện thành công dự án "Chiết xuất độc tố từ ốc cối hạt mè conus betulinus làm thuốc trừ sâu sinh học". Dự án này đã đạt giải nhì tại cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2019.

Với niềm đam mê nghiên cứu, 2 em Nguyễn Ngọc Ánh Dương và Nguyễn Hoàng Nhật Hiếu, học sinh lớp 9 Trường THCS Võ Văn Ký, TP. Nha Trang đã thực hiện thành công dự án “Chiết xuất độc tố từ ốc cối hạt mè conus betulinus làm thuốc trừ sâu sinh học”. Dự án này đã đạt giải nhì tại cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2019.


Theo Ánh Dương, một lần em tình cờ ngồi nói chuyện với ông nội (một chuyên gia nghiên cứu về các loài ốc tại Viện Hải dương học, đã nghỉ hưu), ông đã kể về công dụng chất độc của ốc cối có thể chữa được bệnh ung thư. Qua câu chuyện, em nghĩ ra ý tưởng sử dụng chất độc của ốc cối để chiết xuất ra thuốc trừ sâu sinh học thay thế cho thuốc trừ sâu hóa học. Cùng lúc đó, nhà trường phát động phong trào nghiên cứu khoa học để chọn dự án tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật thành phố và cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh, Ánh Dương và Nhật Hiếu đã trình bày ý tưởng của mình với thầy Phạm Vũ Thanh An - giáo viên môn Hóa học. Được sự ủng hộ của thầy An và sự hỗ trợ của Tiến sĩ Đặng Thúy Bình - giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nha Trang, 2 em bắt tay vào thực hiện dự án.

 

Sâu được các em bắt về nghiên cứu.

Sâu được các em bắt về nghiên cứu.


Tranh thủ những buổi chiều và ngày nghỉ học, 2 em đi bắt sâu để khảo sát các loài sâu gây hại trên rau cải, bắt ốc cối đập vỏ để chiết xuất độc tố trong ốc. Do chưa có kinh nghiệm nên khi bắt tay vào nghiên cứu, 2 em gặp không ít khó khăn. Lần thí nghiệm đầu tiên, do pha chế nồng độ độc tố trong ốc cối chưa đủ liều lượng nên khi phun trên rau, qua 3 ngày sâu vẫn sống. Không nản chí, dưới sự khích lệ của thầy hướng dẫn, Ánh Dương và Nhật Hiếu tiếp tục mày mò nghiên cứu. “Qua 3 tháng thực hiện và đến lần thí nghiệm thứ 5, nghiên cứu của chúng em cho ra kết quả rất khả quan. Đó là, ở nồng độ 30% độc tố ốc cối tác động mạnh nhất trên các loài sâu gây hại trên rau cải, với tỷ lệ sâu bị chết từ 60 đến 100% tùy loại sâu. Cùng với đó, do độc tố trong ốc cối là các protein dễ dàng phân hủy ở nhiệt độ từ 200C trở lên nên sau khi phun lên rau cải dễ phân hủy, không ảnh hưởng đến môi trường và không lưu lại trên rau khi thu hoạch”, Ánh Dương chia sẻ.


Dự án “Chiết xuất độc tố từ ốc cối hạt mè conus betulinus làm thuốc trừ sâu sinh học” của 2 em đã đạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2018 - 2019 cấp thành phố và giải ba cấp tỉnh. Thầy An cho biết: “Dương và Hiếu rất ham học hỏi, tâm huyết với dự án. Đây là dự án có tính khả thi cao, có thể áp dụng thực tế rộng rãi. Dự án thành công mở ra hướng mới giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, sức khỏe cho con người trong sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Việc nghiên cứu giúp các em vận dụng kiến thức sâu hơn cũng như có thêm niềm đam mê đối với các đề tài nghiên cứu khoa học, góp phần định hướng nghề nghiệp trong tương lai”.


Mong muốn của Ánh Dương và Nhật Hiếu là dự án sẽ được các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn để có thể sản xuất ra thuốc trừ sâu sinh học từ độc tố của loài ốc cối hạt mè hoặc chế tạo các hợp chất tương đương từ các loại vật khác. Qua đó, hạn chế được tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu hóa học gây hại môi trường và sức khỏe con người hiện nay.


VÂN LY