06:05, 26/05/2019

Những thủ lĩnh nhí năng động

Được tổ chức 2 năm/lần, hội thi Phụ trách sao giỏi cấp tỉnh là sân chơi để các phụ trách sao toàn tỉnh được thi tài, nâng cao kỹ năng công tác đội.
 

Được tổ chức 2 năm/lần, hội thi Phụ trách sao giỏi cấp tỉnh là sân chơi để các phụ trách sao toàn tỉnh được thi tài, nâng cao kỹ năng công tác đội.
 
Thí sinh tham gia phần thi tổ chức một buổi sinh hoạt sao.
Thí sinh tham gia phần thi tổ chức một buổi sinh hoạt sao.
 
Năm nay, mỗi huyện, thị xã, thành phố đã chọn ra 4 phụ trách sao xuất sắc từ hội thi tại địa phương để tham gia cấp tỉnh. Tại đây, các em có 2 ngày để thi tài 3 nội dung: lý thuyết; khéo tay hay làm; thực hành tổ chức buổi sinh hoạt sao. Ở phần thi trắc nghiệm lý thuyết, các thí sinh không gặp nhiều khó khăn để hoàn thành 20 câu hỏi trong vòng 15 phút với các câu hỏi cơ bản về tổ chức đội, sinh hoạt, giáo dục sao nhi đồng; các ngày truyền thống; Bác Hồ kính yêu và gương các anh hùng liệt sĩ nhỏ tuổi mà liên đội, chi đội mang tên... Hấp dẫn nhất ở hội thi là phần thi khéo tay hay làm. Ở đây, từ các vật liệu đã qua sử dụng như: chai nhựa, mảnh gỗ, nắp chai, bìa các-tông..., bằng sự khéo léo, sáng tạo, tỉ mỉ của mình, các em đã làm ra những sản phẩm cầu kỳ, bắt mắt như: ngôi nhà mơ ước, đèn ngủ, ô tô...
 
Nếu như ở phần thi lý thuyết cần nắm chắc kiến thức, lịch sử, xã hội; phần thi khéo tay hay làm cần sự sáng tạo, khéo tay thì ở phần thi tổ chức thực hiện một buổi sinh hoạt sao, các thí sinh cần nhiều kỹ năng như: điều hành nhóm, giao tiếp với các đội viên và đặc biệt là sự tự tin khi đứng trước đám đông. Theo ban giám khảo, sự tự tin là yếu tố quan trọng ở phần thi này. Đa số các phụ trách sao đều đã có thời gian tập luyện ở trường, trải qua cuộc thi tại địa phương nên rất tự tin. Vừa điều hành buổi sinh hoạt sao với chủ đề giáo dục kỹ năng sống, em Nguyễn Thị Ngọc Ánh đến từ huyện Vạn Ninh chia sẻ: “Trong buổi sinh hoạt sao, em đã hướng dẫn cho các bạn đội viên về kỹ năng tham gia giao thông an toàn, vệ sinh cá nhân, kỹ năng giao tiếp học đường... Vì đã chuẩn bị kỹ và từng tổ chức nhiều lần sinh hoạt ở trường nên em rất tự tin”.
Kết thúc hội thi, ban tổ chức trao 2 giải nhất, 3 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích cho các thí sinh dự thi. Hai giải nhất thuộc về em Lê Phương Nhã (Liên đội Tiểu học Lộc Thọ, TP. Nha Trang) và em Trần Nguyễn Thùy Anh (Liên đội Tiểu học Phước Tiến, TP. Nha Trang). Hội đồng Đội TP. Nha Trang đạt nhất toàn đoàn.
 
Hội thi năm nay đã được quan tâm, đầu tư nhiều hơn về chất lượng từ phía hội đồng đội các huyện, thị xã, thành phố, bằng chứng là chất lượng các thí sinh được nâng cao rất nhiều so với các hội thi trước. Trong 32 thí sinh tham gia, có 30 thí sinh đạt loại xuất sắc, giỏi. Ông Nguyễn Phương Doanh - Giám đốc Nhà Thiếu nhi, Trưởng Ban Giám khảo cho biết, để các em chủ động sáng tạo hơn, lần thi tới, ở phần thi khéo tay hay làm, ban tổ chức sẽ hướng đến chuẩn bị vật dụng tái chế để mỗi thí sinh tự chọn các vật liệu phù hợp với mô hình mình muốn làm ra, tránh có sự chuẩn bị sẵn và hỗ trợ, định hướng của các giáo viên tổng phụ trách. Hội thi cũng đã đổi mới nhưng các lần tổ chức đến cần cập nhật thêm nội dung phòng, chống xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em, học sinh, việc sử dụng mạng xã hội đúng cách... vào nội dung tổ chức buổi sinh hoạt sao, để các em có thể tìm hiểu, nắm rõ hơn những vấn đề này.
 
Theo anh Trương Tấn Hùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, cuộc thi vừa là sân chơi cho các phụ trách sao, vừa để chọn ra các nhân tố xuất sắc nhằm đào tạo, bồi dưỡng những thủ lĩnh thanh niên trong tương lai, giúp phong trào đoàn, đội ngày càng đi lên. “Các lần tổ chức đến, chúng tôi cũng sẽ kêu gọi xã hội hóa để mở rộng cuộc thi, tạo điều kiện tốt hơn cho các thí sinh tham gia”, anh Hùng nói.
 
V.THÀNH