Chương trình giao lưu của đoàn giảng viên và sinh viên (SV) Trường Jeanne D'Arc St.Ivy (JASI) vùng Pontivy (Cộng hòa Pháp) với Trường Đại học Khánh Hòa không chỉ là dịp để trao đổi, học hỏi về lĩnh vực nhà hàng, bếp, du lịch, mà còn để lại cho giảng viên và SV hai trường những kỷ niệm đẹp về mối hợp tác hữu nghị bền chặt.
Chương trình giao lưu của đoàn giảng viên và sinh viên (SV) Trường Jeanne D’Arc St.Ivy (JASI) vùng Pontivy (Cộng hòa Pháp) với Trường Đại học Khánh Hòa không chỉ là dịp để trao đổi, học hỏi về lĩnh vực nhà hàng, bếp, du lịch, mà còn để lại cho giảng viên và SV hai trường những kỷ niệm đẹp về mối hợp tác hữu nghị bền chặt.
Sinh viên Pháp học nấu món Việt
Sáng 19-3, lớp Bếp Việt của Trường Đại học Khánh Hòa thêm ấm cúng và sôi nổi khi các SV Pháp tham gia buổi học nấu món ăn Việt Nam do các giảng viên khoa Du lịch Trường Đại học Khánh Hòa hướng dẫn. Bánh xèo, chả ram, đông sương - những món ăn quen thuộc với người Nha Trang - Khánh Hòa nay trở nên mới lạ và hấp dẫn đối với SV nước bạn. Ngay từ sớm, các nguyên liệu tươi ngon đã được chuẩn bị sẵn sàng. Hào hứng khi bắt tay vào thực hành các công đoạn nấu nướng, Clemence Menais - SV ngành tiếp thị du lịch, khách sạn - nhà hàng Trường JASI chia sẻ: “Mình rất thích cách kết hợp các nguyên liệu của người Việt để tạo nên nhiều món ăn ngon khác nhau. Ở đây, mình không chỉ có dịp khám phá nhiều nguyên liệu, học hỏi được cách nấu các món mà còn hiểu rõ hơn về thói quen ăn uống và văn hóa ẩm thực của người Việt. Ngoài ra, mình cũng rất ấn tượng với cuộc sống, nét sinh hoạt khác biệt và phong cảnh đẹp nơi đây, và đặc biệt là sự kính trọng của SV đối với các giảng viên. Về lại Pháp, mình nhất định sẽ kể cho mọi người về những điều thú vị và khác biệt tại Việt Nam. Chúng mình sẽ tổ chức một buổi tiệc đứng ở trường với các món ăn Việt”.
Là giảng viên chuyên ngành ẩm thực phục vụ những khách hàng khó tính, yêu cầu cao nên thầy Thierry Galais thường xuyên làm việc tại những resort. Nhiều năm trước, thầy đều dẫn SV qua Nha Trang thực tập 6 tuần và khá ấn tượng vì nơi đây có nhiều nhà hàng phục vụ đa dạng món ăn của các nước trên thế giới. Các SV có dịp học kỹ thuật chế biến và chuẩn bị nguyên liệu tốt để làm ra một món ăn ngon. Điều khá thú vị là so với trang thiết bị nhà bếp hiện đại ở Pháp thì “đồ nghề” ở Việt Nam sơ sài hơn, nhưng vẫn có thể chế biến được nhiều món ngon. Đề thi tốt nghiệp của SV Trường JASI năm nay sẽ là các món ăn Việt Nam. Năm 2020, trường dự kiến sẽ cho SV sang học với giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa về lĩnh vực bếp. Với kinh nghiệm sư phạm của các giảng viên ở đây, thầy Thierry Galais tin rằng việc học tập sẽ đạt hiệu quả. Thầy cho biết: “Cô hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa và một giáo viên đã từng đến trường chúng tôi làm việc và có mối quan hệ rất tốt với trường. Chúng tôi cũng có những người bạn chung thân thiết. SV ngành bếp đã học hỏi được nhiều qua những chuyến giao lưu này”.
Phát triển hữu nghị trên nhiều phương diện
Trước đó, từ ngày 15 đến 19-3, trong khuôn khổ chuyến giao lưu, SV hai trường đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Hơn 200 SV Trường Đại học Khánh Hòa đã đón đoàn SV nước bạn trong một buổi lễ trang trọng, ấm cúng và thân tình, vui tươi với các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian. Bên cạnh đó là những phút giây thoải mái, thư giãn và vui vẻ qua các buổi giao lưu âm nhạc, bóng đá, giao lưu ẩm thực Pháp - Việt, lớp chuyên đề du lịch được giảng dạy bởi các giảng viên Pháp cho SV Việt Nam, tham quan danh lam thắng cảnh TP. Nha Trang... Những nụ cười bên nhau đã xóa nhòa khoảng cách về ngôn ngữ.
Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Bình - Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết: “Đây là đợt giao lưu thứ 10 kể từ khi hai trường ký kết thỏa thuận hợp tác vào năm 2007. 12 năm hợp tác và giao lưu tuy không quá dài nhưng đã đánh dấu tình hữu nghị, gắn bó bền vững giữa hai trường. Như đại diện Trường JASI đã phát biểu năm ngoái: “Mong muốn của chúng ta là cùng nhau tiến xa hơn, tôi tin rằng mối quan hệ tốt đẹp này sẽ được duy trì và phát triển trên nhiều phương diện, không chỉ ở giao lưu ngôn ngữ, văn hóa mà còn tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hợp tác chuyên sâu trong trao đổi nghiên cứu, học tập của SV và giảng viên mảng nhà hàng, bếp, du lịch”…
H.NGÂN