Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2018 - 2019 được tổ chức quy mô, bài bản hơn, đánh dấu bước phát triển về chất lượng so với các năm trước.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh (HS) trung học cấp tỉnh năm học 2018 - 2019 được tổ chức quy mô, bài bản hơn, đánh dấu bước phát triển về chất lượng so với các năm trước.
Tiềm năng sáng tạo của học sinh
Vóc dáng nhỏ bé hơn nhiều so với độ tuổi của một HS lớp 8, song em Mấu Hồng Sơn (Trường THCS Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) đã thể hiện được bản lĩnh và năng lực của mình khi giành giải ba cuộc thi với dự án cải tiến chiếc xe đạp cũ thành chiếc máy tách hạt bắp. Sơn chia sẻ, em muốn tạo ra một sản phẩm giúp cha mẹ đỡ vất vả trong công việc đồng áng. Với em Trang Sĩ Thái (Trường THCS Thái Nguyên, TP. Nha Trang), niềm đam mê lập trình đã thôi thúc em sáng tạo dự án Phần mềm chống trộm điện thoại, 1 trong 6 dự án đạt giải nhất của cuộc thi. “Đây là năm thứ 2 em tham gia cuộc thi. Em thấy năm nay có nhiều sản phẩm chất lượng tốt, hay hơn năm trước mà mình có thể học hỏi”, Thái nói.
Cuộc thi còn có nhiều dự án có tính thiết thực, gắn liền với các vấn đề của cuộc sống như: kỹ thuật trồng nấm rơm và nấm bào ngư trong nhà kính; máy ấp trứng tự động; xây dựng mô hình hệ thống tưới cây tự động; giải pháp phát triển kỹ năng mềm cho HS; máy dọn thức ăn thừa trong các lồng bè nuôi tôm hùm... Phát biểu tại lễ tổng kết cuộc thi, ông Trần Quang Mẫn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Trưởng Ban giám khảo đánh giá: “Đa số HS đã làm chủ dự án, bình tĩnh thuyết trình về ý tưởng của mình. Ban giám khảo đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc và tiềm năng nghiên cứu khoa học của các em. Cuộc thi năm nay cũng xuất hiện nhiều dự án mang dấu ấn của công nghiệp 4.0, ở các lĩnh vực như: cảm biến, cơ điện tử, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính, khoa học sinh học, vi sinh… Đây là những bước đi ban đầu của HS, tiền đề của những sáng tạo trong tương lai…”.
Tuy vậy, ban giám khảo cũng nhận định cuộc thi còn có một số hạn chế. Dù đã cố gắng song khả năng làm chủ dự án của một số HS còn chừng mực, một số em còn lúng túng khi trình bày về ý tưởng của mình. Vẫn còn có dự án mang dáng dấp một cuộc thi đồ dùng dạy học hay sáng kiến kinh nghiệm. Một số dự án chưa phù hợp với đối tượng nghiên cứu là HS. Cũng có dự án có ý tưởng hay, mới, lạ nhưng không thể triển khai vì vượt ngoài khả năng hỗ trợ của nhà trường cả về kinh phí và cơ sở vật chất.
Tăng cường sự phối hợp với trường đại học
Cuộc thi diễn ra từ ngày 10 đến 12-12. Sở GD-ĐT đã trao thưởng cho 69 dự án đạt giải trên tổng số 137 dự án dự thi, đồng thời chọn 6 dự án tốt nhất dự kiến tham dự cuộc thi cấp quốc gia. Ngoài ra, Trường Đại học Nha Trang cũng trao thưởng cho 69 dự án này, đồng thời trao giải đặc biệt cho 5 dự án của Phòng GD-ĐT 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh; trao thưởng cho tất cả các dự án còn lại và hỗ trợ kinh phí cho các đoàn tham dự cuộc thi. |
Bà Đặng Ngọc Lệ Thy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên Sở GD-ĐT cho biết, cuộc thi năm nay có nhiều điểm mới so với các năm trước. Đó là chất lượng các dự án có sự đầu tư rất nhiều, hàm lượng chất xám trong các dự án được ban giám khảo đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, năm nay không chỉ có các trường THCS, THPT “độc lập tác chiến” mà có sự hỗ trợ từ các trường đại học, chuyên gia đầu ngành. Vì vậy, ban tổ chức quyết định mời chuyên gia đầu ngành của Trường Đại học Nha Trang làm thành viên ban giám khảo. Trong số 18 thành viên ban giám khảo thì có 7 người là phó giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành của Trường Đại học Nha Trang.
Ngoài ra, trong khuôn khổ cuộc thi, lần đầu tiên có một hội thảo khoa học về việc hợp tác giữa trường đại học và các trường phổ thông về công tác nghiên cứu khoa học. Qua hội thảo, các thầy cô đã được học hỏi kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ HS nghiên cứu khoa học; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với quá trình dạy và học theo định hướng đổi mới; tạo cơ hội cho giáo viên, HS phổ thông khai thác các nguồn lực trong trường đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học…
Theo bà Đặng Ngọc Lệ Thy, thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức những chuyên đề chuyên sâu để bồi dưỡng cho các thầy cô và HS về kỹ năng, quy trình nghiên cứu khoa học nhằm đưa hoạt động đi vào quy củ, bài bản, sản phẩm đầu ra đạt chất lượng. Bên cạnh đó, sẽ có các doanh nghiệp cùng tham gia giải quyết đầu ra của dự án, để sản phẩm của các em không chỉ dừng lại ở một cuộc thi mà còn có khả năng ứng dụng trong thực tiễn. Đây cũng chính là hướng đi vững chắc cho cuộc thi tại Khánh Hòa.
H.NGÂN