Đến thời điểm này, các trường trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho năm học mới.
Đến thời điểm này, các trường trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho năm học mới.
Đầu tư cơ sở vật chất
Vạn Ninh là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 12 (năm 2017); trong đó các cơ sở giáo dục, trường học bị tàn phá nặng nề. Sau bão, toàn huyện đã chung tay vào cuộc để khắc phục hậu quả, ưu tiên ổn định đời sống người dân và sửa chữa trường học cho học sinh tới lớp. Đến nay, hạ tầng trường lớp đã cơ bản được khắc phục.
Trong năm 2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện đã tham mưu cho các cấp đầu tư xây dựng mới, sửa chữa cơ sở vật chất 4 trường: Mầm non Vạn Bình, Tiểu học Vạn Bình 2, Tiểu học Vạn Phước 2, THCS Trần Phú với tổng kinh phí thực hiện hơn 18 tỷ đồng. Đến nay, các công trình trên đã thực hiện đạt từ 30 đến 95% khối lượng; Phòng GD-ĐT đang tăng cường công tác kiểm tra, thúc đẩy các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ để bàn giao trường lớp cho các đơn vị kịp chuẩn bị cho khai giảng năm học mới. Các trường học cũng đã cải tạo, sơn sửa lại các phòng học, nhà vệ sinh học sinh, sửa chữa bàn ghế học sinh, hệ thống điện… tổng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng từ tiết kiệm kinh phí ngân sách chi thường xuyên của trường và một phần xã hội hóa giáo dục.
Ngoài ra, Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND huyện tập trung mua sắm, trang bị cơ sở vật chất cho các đơn vị thuộc xã Vạn Bình theo lộ trình nông thôn mới năm 2018 với kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng. Đồng thời, phòng chỉ đạo các trường cân đối từ nguồn chi thường xuyên đã cấp cho trường để mua sắm bổ sung tài sản, thiết bị ngoài trời, sách các loại, thiết bị nhà bếp... để sử dụng phục vụ cho năm học mới với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng.
Vẫn thiếu giáo viên
Năm học 2018 - 2019, toàn huyện có 58 trường trực thuộc Phòng GD-ĐT, trong đó: 14 trường mầm non công lập; 4 trường mầm non tư thục (tăng 1 trường so với năm học 2017 - 2018); 27 trường tiểu học (tăng 1 trường so với năm học 2017 - 2018: Trường Tiểu học Vạn Lương 3); 12 trường THCS; 1 trường tiểu học và THCS Vạn Thạnh. Tổng số học sinh ở các bậc học là 24.150 em, trong đó: mầm non 4.500; tiểu học 11.080; THCS 8.570. |
Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện, tổng số cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên được giao là 1.637 biên chế, trong khi đó, số cán bộ, GV và nhân viên cần theo kế hoạch là 1.756 biên chế; biên chế có mặt tại thời điểm ngày 1-7 là 1.589 người. Như vậy, bước vào năm học mới, các trường trên địa bàn huyện sẽ bị thiếu hụt GV giảng dạy. Cụ thể, toàn huyện thiếu 2 cán bộ quản lý và 114 GV. Trong đó, chủ yếu là thiếu GV mẫu giáo với 86 GV, tiểu học và THCS 24 GV, còn lại là số GV tổng phụ trách đội… Ngoài ra, toàn huyện cũng đang thiếu 51 nhân viên, chủ yếu là cấp dưỡng. Đây không phải là vấn đề mới, bởi nhiều năm nay, địa phương đã diễn ra tình trạng này. Tuy nhiên, ngành Giáo dục huyện cũng đã có kế hoạch tham mưu cho UBND huyện để tuyển thêm GV.
Để kịp thời bồi dưỡng, nâng cao trình độ GV trước khi vào năm học mới, Phòng GD-ĐT huyện đã liên kết với Trường Đại học Phú Yên và Trường Đại học Khánh Hòa tổ chức các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho GV các cấp học mầm non. Mặt khác, phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo huyện tổ chức 7 lớp bồi dưỡng chính trị hè năm 2018 cho tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các trường công lập trong toàn huyện.
Ông Nguyễn Từng - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành. Các trường học hư hỏng đã được sửa chữa, mua sắm thêm trang thiết bị dạy học đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy. Đối với những công trình còn dang dở, phòng đang đốc thúc các đơn vị thi công, mục tiêu là đến hết tháng 8 phải có lớp học hoàn thiện cho học sinh bước vào năm học mới.
MẠNH HÙNG