Không chỉ tham gia các cuộc thi, em Nguyễn Chí Phương Thanh (học sinh lớp 11D3, Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng, TP. Nha Trang) đã hiện thực hóa dự án của mình bằng việc giúp cho hơn 10 hộ gia đình ở một số vùng nông thôn trong và ngoài tỉnh có nguồn nước nhiễm phèn được sử dụng nước sạch.
Không chỉ tham gia các cuộc thi, em Nguyễn Chí Phương Thanh (học sinh lớp 11D3, Trường THPT Lý Tự Trọng, TP. Nha Trang) đã hiện thực hóa dự án của mình bằng việc giúp cho hơn 10 hộ gia đình ở một số vùng nông thôn trong và ngoài tỉnh có nguồn nước nhiễm phèn được sử dụng nước sạch.
Sớm thừa hưởng niềm yêu thích nghiên cứu khoa học từ người cha, lại có nhiều dịp theo chân cha đi các vùng miền từ khi còn nhỏ, Phương Thanh đã đam mê khoa học từ lúc nào không hay. Năm lớp 8, trong một lần về nghỉ hè ở quê nội (xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh) và chứng kiến thực trạng nước nhiễm phèn tại đây, Thanh đã ấp ủ ý tưởng sáng chế một hệ thống có thể làm sạch nước. Được sự ủng hộ, khích lệ từ gia đình, sự giúp đỡ của thầy cô, năm lớp 10, Thanh bắt tay vào mày mò, nghiên cứu. Em đi tới các địa phương trong và ngoài tỉnh để thu thập mẫu nước, đem về kiểm định chất lượng tại Viện Pasteur Nha Trang. Kết quả, hầu hết các mẫu nước đều chưa đủ tiêu chuẩn về nước sinh hoạt. Các chỉ số về Coliform, Fe, E.coli… ở hệ thống giếng khoan, giếng đào đều vượt chuẩn cho phép, thậm chí có chỉ số cao gấp 3 đến 6 lần.
Để có đủ lượng nước thực nghiệm, hàng ngày, Thanh nhờ người quen gửi các thùng nước từ địa phương vào thành phố bằng xe buýt. Ban đầu, em thực hiện tất cả các bể lọc theo phương pháp thẩm thấu thuận, nhưng làm đi làm lại nhiều lần mà kết quả nước đầu ra vẫn không đạt chuẩn. Sau 12 tháng miệt mài nghiên cứu, với phương pháp thẩm thấu ngược, Thanh đã thực hiện thành công hệ thống xử lý nước nhiễm phèn.
Hệ thống do Thanh chế tạo có cấu tạo đơn giản với 3 bể lọc. Nước được bơm lên rồi phun mưa bằng vòi sen hoặc ống nhựa khoan lỗ để tăng diện tích tiếp xúc với không khí và xảy ra các phản ứng tạo thành cặn. Các cặn này sẽ tách ra khỏi nước nhờ vào bể lắng và hệ thống lọc phía dưới. Sau đó, nước từ bể lắng được dẫn qua bể lọc thẩm thấu ngược, dưới tác dụng cưỡng chế áp lực, tạo áp suất đưa nước lọc từ dưới lên trên. Phương pháp thẩm thấu ngược có ưu điểm là giúp giữ ẩm bề mặt vật liệu lọc, tạo màng xúc tác kể cả khi nguồn nước bị cạn kiệt; nước lọc được đẩy tiếp xúc đều trên toàn bộ bề mặt vật liệu lọc; dễ vệ sinh vật liệu lọc… Hệ thống còn có bể lọc trong và khử mùi (bể lọc thuận) giúp làm sạch nước đến 95%.
Thanh cho biết, chi phí cho một hệ thống xử lý nước nhiễm phèn chỉ khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng, công suất 1.000 lít/giờ, rẻ hơn nhiều so với ngoài thị trường. Các vật dụng để chế tạo rất dễ kiếm như: thùng phuy, bồn chứa nước, cát, sỏi... Hệ thống này còn có thể dùng để xử lý nước sông, nước ao hồ và nước ngầm. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, Phương Thanh đã tặng hệ thống bể lọc cho một số hộ gia đình ở các huyện: Vạn Ninh, Cam Lâm, Diên Khánh… và một số vùng nông thôn ở các tỉnh khác. Chị Hồ Thị Bích Nhiên (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) cho biết: “Trước đây, nhà tôi có giếng khoan nhưng nước nhiễm phèn nặng không sử dụng được, phải mua nước máy ở các hộ khác về sinh hoạt và mua nước bình về uống. Từ khi được lắp đặt hệ thống lọc của em Thanh vào đầu năm nay, tôi thấy nước được khử mùi và màu tốt, không chỉ dễ sử dụng mà còn mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí cho gia đình”.
Dự án của Phương Thanh đã đạt giải nhất cấp tỉnh và giải tư cấp quốc gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh; giải nhất cuộc thi Sáng tạo các giải pháp bảo vệ môi trường dành cho học sinh các trường THCS, THPT tỉnh năm học 2017 - 2018. Ban giám khảo cuộc thi đánh giá, hệ thống có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều vùng nông thôn chưa có nguồn nước máy. Thanh cho biết, thời gian tới em sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp hệ thống như: sử dụng năng lượng mặt trời, điều khiển bằng điện thoại thông minh…
H.NGÂN