Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Tin học sẽ là môn học bắt buộc từ lớp 3. Điều này đặt ra yêu cầu phải đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Tin học sẽ là môn học bắt buộc từ lớp 3. Điều này đặt ra yêu cầu phải đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên (GV).
Chỉ 33,5% học sinh được học Tin học
Hiện nay, Tin học là môn tự chọn ở cấp tiểu học được triển khai giảng dạy cho lớp 3, 4, 5 và chỉ tổ chức dạy học ở các lớp 2 buổi/ngày, có phòng máy vi tính. Do không bắt buộc nên việc đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ GV chưa được chú trọng. Hầu như các trường tiểu học tự trang bị phòng máy từ nguồn xã hội hóa và thu tiền của người học để trang trải chi phí. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào của cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế này nên số trường thực hiện không nhiều, trong khi kinh phí Nhà nước còn khó khăn.
Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 143 trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày trên tổng số 195 trường tiểu học, nhưng chỉ có 53 trường tổ chức dạy Tin học. Số học sinh được học chỉ chiếm 33,5% so với số học sinh lớp 3, 4, 5 trong toàn tỉnh, thấp so với mặt bằng chung cả nước và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu có 80% học sinh tiểu học được học Tin học vào năm 2015 theo Quyết định 698/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ sở vật chất để tổ chức dạy và học.
Trong số 53 phòng máy tính của 53 trường tổ chức dạy Tin học, có 31 phòng được trang bị từ kinh phí Nhà nước và 22 phòng được trang bị từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, TP. Nha Trang có 24 phòng, TP. Cam Ranh 13 phòng, huyện Diên Khánh 10 phòng, các địa phương còn lại chỉ có từ 1 đến 2 phòng, riêng huyện Khánh Sơn chưa có trường tiểu học nào có phòng máy tính. Các phòng máy ở một số trường cũng chưa được trang bị đồng bộ đủ cho 2 học sinh/máy, 1 máy tính cho GV, máy chiếu projector, kết nối Internet, máy lạnh, hệ thống điện an toàn và bàn ghế… Một số trường chưa có phòng để lắp đặt thiết bị hoặc không còn đất để xây dựng phòng Tin học. Nguồn kinh phí chi thường xuyên của các trường hạn hẹp nên khi máy tính bị hỏng không có kinh phí sửa chữa. Bên cạnh đó, theo quy định thì máy tính chỉ khấu hao 5 năm, sau thời gian này các trường cũng không có kinh phí tái đầu tư phòng máy.
Bên cạnh đó, đội ngũ GV được đào tạo dạy Tin học tiểu học chưa có, hầu hết là GV cấp THCS và THPT xuống giảng dạy. Việc tuyển dụng biên chế gặp khó khăn; trong số 55 GV đang giảng dạy thì chỉ có 28 GV biên chế. Do GV không ổn định nên việc giảng dạy Tin học, hỗ trợ và ứng dụng công nghệ thông tin cũng như duy trì hoạt động trang web, triển khai sử dụng phần mềm quản lý do Bộ GD-ĐT cung cấp trong các trường tiểu học gặp khó khăn.
Cần trang bị thêm cơ sở vật chất
Theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Tin học sẽ là môn bắt buộc từ lớp 3 (năm học 2021 - 2022) đến lớp 5 (năm học 2023 - 2024). Để thực hiện yêu cầu đó, Sở GD-ĐT thống kê, từ năm 2018 đến 2022, toàn tỉnh cần xây dựng thêm 107 phòng bộ môn Tin học và trang bị thêm máy tính cho 167 phòng Tin học ở cấp tiểu học. Đồng thời, phải tuyển thêm 197 GV Tin học tiểu học. Trong đó, có thể bố trí GV dạy liên trường để đảm bảo số giờ lao động. Các trường chưa sắp xếp và tuyển dụng được thì hợp đồng GV và sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để trả lương cho các GV này.
Mới đây, Sở GD-ĐT đã trình UBND tỉnh dự thảo kế hoạch triển khai dạy môn Tin học cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025. Ông Hà Văn Thông cho biết, Sở GD-ĐT đã lấy ý kiến từ các sở, địa phương và thống nhất quan điểm Nhà nước sẽ đầu tư kinh phí trang bị phòng máy tính ở những địa bàn khó khăn, sau đó thực hiện xã hội hóa để duy trì hoạt động các phòng máy và bồi dưỡng công tác quản lý. Ở những địa bàn thuận lợi sẽ thực hiện xã hội hóa dưới nhiều hình thức. Trong đó, có thể vận động các nhà đầu tư trang bị ban đầu cho các trường tiểu học. Sau đó, hàng tháng, các trường sẽ thu một khoản kinh phí từ người học để chi trả dần cho các nhà đầu tư. Đồng thời, tích lũy một phần kinh phí đảm bảo cho duy trì hoạt động của phòng máy, bồi dưỡng công tác quản lý và chi trả cho GV hợp đồng nếu chưa tuyển dụng được GV.
Tại buổi làm việc về vấn đề này mới đây, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Sở GD-ĐT xác định rõ từng địa bàn, khu vực khó khăn, thuận lợi để có sự đầu tư ngân sách hoặc kêu gọi xã hội hóa phù hợp. Bên cạnh đó, chú trọng tới công tác tuyên truyền trong cộng đồng và phụ huynh học sinh để việc huy động xã hội hóa nhận được sự đồng thuận và tham gia ủng hộ…
H.NGÂN