Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh vẫn còn bất cập, hạn chế.
Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh vẫn còn bất cập, hạn chế.
Đã quan tâm hơn
Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), để từng bước nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ hệ phổ thông, thời gian qua, sở đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn tỉnh đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng phát triển năng lực người học tập trung vào các kỹ năng giao tiếp, vận dụng ngôn ngữ; không nặng về phân tích cú pháp, lý thuyết ngôn ngữ. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả của các hình thức sinh hoạt giao lưu trong học sinh, tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Anh nhằm tạo điều kiện và môi trường thực hành cho học sinh. Vừa qua, sở đã phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh bồi dưỡng, tập huấn phương pháp giảng dạy, sử dụng công nghệ thông tin, ngôn ngữ sư phạm trong lớp học cho số cán bộ, giáo viên đã đạt chuẩn để phát triển thành đội ngũ nòng cốt cho việc thực hiện chương trình mới.
Thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, Sở GD-ĐT đã triển khai dạy Chương trình tiếng Anh cấp THCS và cấp THPT theo Đề án cho học sinh các lớp chất lượng cao ở khối lớp 6 và 10 trong các trường phổ thông công lập. Trong đó, khối lớp 6 có các trường THCS: Lê Hồng Phong (Cam Ranh), Hùng Vương (Cam Lâm), Phan Chu Trinh (Diên Khánh), Thái Nguyên, Nguyễn Công Trứ (Nha Trang), Hùng Vương (Ninh Hòa), Văn Lang (Vạn Ninh). Khối lớp 10 có các trường THPT: Phan Bội Châu (Cam Ranh), Trần Bình Trọng (Cam Lâm), Hoàng Hoa Thám (Diên Khánh), Lý Tự Trọng (Nha Trang), Nguyễn Trãi (Ninh Hòa), Huỳnh Thúc Kháng (Vạn Ninh). Riêng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Nha Trang triển khai dạy cho 100% học sinh lớp 6 và lớp 10. Ngoài ra, tổ chức dạy chương trình song ngữ tiếng Anh cấp THCS và khối lớp 10 tại Trường iSchool Nha Trang; đồng thời tiếp tục dạy thí điểm song ngữ tiếng Anh đối với môn Toán cho các lớp chuyên Toán tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Từ năm 2012, khi Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được triển khai tại Khánh Hòa, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều đợt khảo sát, đánh giá và bồi dưỡng và thi nâng ngạch cho giáo viên tiếng Anh các cấp theo khung chuẩn năng lực ngôn ngữ do Bộ GD-ĐT ban hành. Trong năm 2017, sở đã tổ chức bồi dưỡng cho 172 giáo viên để nâng cao năng lực giáo viên tiếng Anh các cấp theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, trong đó có 90 giáo viên từ trình độ B1 lên B2 và 82 giáo viên từ trình độ B2 lên C1, kết quả thi nâng ngạch đạt 100%. Sở cũng tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống phòng học, trang bị các thiết bị dạy học môn ngoại ngữ, đặc biệt là các phòng chức năng, phòng bộ môn để phục vụ giảng dạy, học tập, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh. Tiêu biểu là trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Khánh Hòa là 1 trong 10 tỉnh có phổ điểm tiếng Anh cao nhất trong cả nước.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Tuy vậy, chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông hiện nay vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Hiện nay, đội ngũ giáo viên tiếng Anh vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu mới theo khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Đến hết năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh mới chỉ có 48,4% giáo viên tiểu học đạt chuẩn và 21,2% cận chuẩn; cấp THCS có 59% giáo viên đạt chuẩn và 16,7% cận chuẩn; cấp THPT có 44,2% đạt chuẩn và 20,7% cận chuẩn. Nhiều giáo viên còn hạn chế về kỹ năng nghe và nói tiếng Anh. Ở cấp tiểu học, phần lớn giáo viên chưa được đào tạo đúng chuyên ngành dạy tiếng Anh tiểu học mà được đào tạo dạy tiếng Anh cấp THCS. Ở một số trường vùng sâu, vùng xa, giáo viên phải dạy kiêm nhiệm chéo môn, ảnh hưởng đến hiệu quả dạy và học ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học tiếng Anh theo chương trình mới tuy đã được đầu tư hơn song vẫn còn nhiều bất cập như: thiếu phòng học, chưa đủ điều kiện về phòng thí nghiệm, thực hành, phòng học bộ môn, thư viện... Trong đó ở cấp tiểu học, chỉ có khoảng 50% số trường đã tổ chức dạy học tiếng Anh có đồ dùng dạy học tối thiểu như: máy cassette, màn hình ti vi... nhưng đã lạc hậu và hầu hết bị hỏng. Nhiều trường được trang bị máy chiếu, bảng tương tác nhưng do dùng chung cho cả trường nên việc sử dụng của giáo viên tiếng Anh bị hạn chế. Một số trường bố trí được phòng học ngoại ngữ nhưng lại thiếu trang thiết bị. Việc triển khai dạy môn Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở một số trường cũng được đánh giá là chưa hiệu quả do giáo viên không được đào tạo chính quy, học sinh không có động lực học; mặt khác Bộ GD-ĐT vẫn chưa có giáo trình chính thức, chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc đưa vào chương trình học và nhu cầu thực tế của xã hội không cao ngoài học sinh năng khiếu của trường chuyên.
Việc mở rộng quy mô, đưa ngoại ngữ vào giảng dạy một cách có hệ thống từ cấp tiểu học đến THPT là định hướng đã được ngành GD-ĐT đề ra. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, sở đã chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, bao gồm việc tiếp tục bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với giáo dục phổ thông; đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra ngay trong quá trình và kết quả từng giai đoạn GD-ĐT. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu; ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới học liệu dạy học ngoại ngữ; nhân rộng những điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học phổ thông; hình thành môi trường thuận lợi hỗ trợ việc dạy và học ngoại ngữ, tạo điều kiện xã hội hóa việc dạy học ngoại ngữ. Đồng thời, tiếp tục tăng cường mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, cơ sở giáo dục nước ngoài, tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ…
H.NGÂN