Những ngày cuối tuần, các cán bộ, giáo viên, nhân viên tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh vẫn tiếp tục công việc khắc phục sau bão để đón học sinh (HS) đi học trở lại vào ngày 13-11.
Những ngày cuối tuần, các cán bộ, giáo viên, nhân viên tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh vẫn tiếp tục công việc khắc phục sau bão để đón học sinh (HS) đi học trở lại vào ngày 13-11.
Khắc phục bước đầu
Những ngày qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS Trường THCS Nguyễn Thái Bình (xã Khánh Bình) đã dốc toàn lực, cùng với lực lượng bộ đội khắc phục thiệt hại để sẵn sàng đón hơn 600 HS đi học trở lại. Cô Hoàng Thị Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bàn ghế làm bằng ván ép nên hư hỏng nhiều, trường phải mượn tạm hơn 60 bộ bàn ghế từ các đơn vị bạn, đồng thời tận dụng tối đa bàn, ghế cũ. Sách vở HS bị ướt, hỏng nhiều nên trường tạm thời mua hơn 1.000 cuốn vở và huy động tất cả sách cũ có thể dùng được tại thư viện để các em có sách, vở học. Thời điểm này đang là giai đoạn trọng tâm của chương trình, chuẩn bị cho kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ nên trường đã sắp xếp, bố trí các lớp học bù vào các buổi và cả ngày Chủ nhật để kịp tiến độ.
Tại Trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh, thầy Nguyễn Trọng Sỹ - Hiệu trưởng nhà trường không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối, bởi trường được đầu tư xây mới cách đây hơn 3 năm và phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vào năm 2018. Vậy mà sau bão, khu mái che - nơi tổ chức cho các em học thể dục, ăn bán trú, vui chơi và rất nhiều hoạt động khác sập đổ hoàn toàn; nhiều khu vực khác cũng bị ảnh hưởng nặng; tổng thiệt hại ước tính hơn 800 triệu đồng. “Nhà trường đang cố gắng phục hồi những điều kiện cơ bản nhất để đảm bảo cho việc dạy và học cũng như tổ chức ăn bán trú cho các em”, thầy Sỹ cho biết.
Trường THPT Lạc Long Quân (thị trấn Khánh Vĩnh) là trường duy nhất của huyện đi học sớm trở lại sau bão, từ ngày 8-11. Thầy Phạm Văn Tỉnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay sau bão, nhà trường đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên, HS… tham gia vệ sinh, dọn dẹp, lực lượng bộ đội cũng hỗ trợ trường khắc phục để sớm tổ chức cho HS học lại; hỗ trợ cho các em hơn 5.000 cuốn vở, mở cửa thư viện để các em mượn sách học tập. Một nhà tài trợ đã hỗ trợ 1 tấn gạo cho bếp ăn HS nội trú. Nhà trường tổ chức tăng tiết cho HS lớp 12 vào buổi chiều. Với lớp 10 và 11, bố trí một số tiết học tự chọn để tổ chức dạy chính khóa cho các em. Dự kiến khoảng 2 tuần nữa, lịch học của các em sẽ ổn định lại. Riêng điểm trường phụ nằm tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình với 6 lớp bị ảnh hưởng nặng thì đến ngày 13-11 mới có thể tổ chức học lại.
Còn nhiều nỗi lo…
Cô Hoàng Thị Hạnh không nén được xúc động khi nhắc tới những gia đình HS và hơn 20 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, có nhà bị ảnh hưởng nặng sau bão, chưa thể khôi phục. Trong đó, 8 thầy cô có nhà bị sập mái hoàn toàn, đến nay vẫn phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”. “Việc bắt đầu dạy và học trở lại còn nhiều khó khăn, trong đó điều quan trọng nhất lúc này là động viên tinh thần cho các thầy cô an tâm công tác và HS yên tâm học hành”, cô Hạnh chia sẻ.
Ông Bùi Hữu Hóa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện: Khánh Vĩnh có gần 100 trường học bị thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị…, tổng thiệt hại ước tính khoảng 12 tỷ đồng. Gia đình nhiều cán bộ, giáo viên, công nhân viên cũng bị ảnh hưởng. Hơn 85% HS nơi đây là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Trước mắt, các trường sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên khắc phục bước đầu để có thể tổ chức dạy và học từ ngày 13-11. Phòng cũng yêu cầu các trường, nhất là các trường tổ chức bán trú tăng cường việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn nước, khu vực nhà vệ sinh, chú ý phòng tránh dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm… |
Theo thầy Nguyễn Trọng Sỹ, đa số HS trong trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn nên chưa thể chuẩn bị lại sách vở, đồ dùng học tập... Nhà trường đã ứng một số sách vở và tiếp tục xem xét giải pháp hỗ trợ cho các em. Khó khăn lớn nhất hiện nay là hơn 300 HS bán trú, chiếm 60% số HS toàn trường không có chỗ ăn vì mái che khu vực này đã sập. Trước mắt, bàn học sẽ vừa là nơi học, nơi ăn uống và ngủ nghỉ của các em, vì vậy khâu đảm bảo vệ sinh và các điều kiện khác sẽ vất vả hơn so với trước. Điểm trường phụ cách đó gần 20km cũng phải mượn tạm một nhà rông để tổ chức cho các cháu ăn bán trú.
Tuy đã tổ chức dạy học lại được 3 ngày nhưng đến nay, Trường THPT Lạc Long Quân vẫn còn nhiều HS chưa tới lớp. Theo thầy Phạm Văn Tỉnh, một số em có nhà bị ảnh hưởng nặng, việc sửa chữa, khôi phục vẫn còn bề bộn nên các em chưa thể đến trường. Bên cạnh đó, một phần do hệ thống điện ở các xã chưa có nên việc liên lạc, thông báo đi học gặp khó khăn.
Tại Trường Mầm non Họa My (xã Khánh Trung), mưa bão làm hệ thống nước bị nhiễm phèn, đường dây điện đứt nên chưa thể dùng máy bơm để bơm nước. Cô Lê Thị Biên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước mắt, nhà trường khắc phục bằng cách mua nước đóng chai, hoặc xin nước ở nhà người dân để phục vụ ăn uống, sinh hoạt của trẻ. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vận động trẻ ra lớp, bởi sau bão, các gia đình vốn đã khó khăn lại phải ngược xuôi lo khôi phục lại nhà cửa, tài sản… nên HS đến lớp chưa thể đông đủ.
H.NGÂN