07:11, 03/11/2017

Dạy bơi đại trà cho học sinh

Ngày 30-10, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học, THCS trong trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. 

Ngày 30-10, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh (HS) tiểu học, THCS trong trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Theo đề án, trong năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh sẽ lắp đặt 16 bể bơi di động tại 8 huyện, thị xã, thành phố để triển khai dạy bơi đại trà cho HS.


Đáp ứng nhu cầu


Việc triển khai đề án được xem là yêu cầu cấp thiết, bởi Khánh Hòa có đặc thù bờ biển trải dài và nhiều sông, suối, hồ; tình trạng mưa, lũ diễn ra ngày càng phức tạp nhưng tỷ lệ HS phổ thông biết bơi lại rất thấp, cấp tiểu học chỉ có gần 13%, THCS gần 22%. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm có 17 HS bị đuối nước và tử vong, trong đó HS tiểu học và THCS là đối tượng bị tác động, ảnh hưởng nhiều nhất.

 

Theo ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), xã hội ngày càng quan tâm, ý thức được tầm quan trọng và tác dụng của bơi lội là khỏe, đẹp và an toàn. Các đơn vị, trường học và đặc biệt các bậc phụ huynh hoàn toàn ủng hộ và nhất trí đưa môn bơi lội vào trong chương trình giáo dục dành cho HS trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, toàn ngành GD-ĐT không có bể bơi trong trường học, số bể bơi hiện có thuộc các ban, ngành và tư nhân quản lý không đáp ứng nhu cầu tập luyện, rèn luyện thể chất cho HS. Vì thế, cần trang bị thêm bể bơi để đưa bơi lội thành môn học chính khóa.


Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung có con đang học tại Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 1 (TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi muốn cho con học bơi từ lâu nhưng chưa có điều kiện. Vì thế, đưa môn bơi lội vào giảng dạy là hoạt động rất thiết thực, hữu ích. Mong rằng chương trình sẽ sớm được triển khai để đáp ứng nhu cầu của nhiều gia đình hiện nay”.

 

Hồ bơi Yết Kiêu (TP. Nha Trang)

Hồ bơi Yết Kiêu (TP. Nha Trang)

 

Xây 16 bể bơi di động

 

Địa điểm lắp đặt bể bơi di động gồm các trường: Tiểu học Diên Điền, THCS Trần Đại Nghĩa (huyện Diên Khánh); Tiểu học Cam Hiệp Nam, THCS Quang Trung (huyện Cam Lâm); THCS Thị trấn Khánh Vĩnh, THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Khánh Vĩnh); Tiểu học số 1 Ninh Đa, THCS Hùng Vương (thị xã Ninh Hòa); Tiểu học Vạn Giã 3, THCS Nguyễn Huệ (huyện Vạn Ninh); Tiểu học Vĩnh Hiệp, THCS Trần Hưng Đạo (TP. Nha Trang); Tiểu học Cam Phú, THCS Trần Phú (TP. Cam Ranh); Tiểu học Thị trấn Tô Hạp, THCS Sơn Bình (huyện Khánh Sơn). Đây là những trường đủ điều kiện và nằm ở vị trí thuận lợi để nhiều trường khác trên địa bàn cùng sử dụng chung bể bơi để tổ chức dạy bơi. 

Trong điều kiện quỹ đất tại các trường học còn khó khăn và kinh phí còn hạn hẹp, không thể xây dựng bể bơi cố định thì việc xây dựng bể bơi di động là giải pháp được nhiều địa phương trong nước triển khai thực hiện với ưu điểm như: giá thành rẻ, quỹ đất đầu tư nhỏ, vận hành thuận lợi và đặc biệt có thể tháo lắp, di chuyển sang nhiều vị trí khác nhau trên địa bàn. Vì vậy, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh lựa chọn giải pháp lắp đặt 16 bể bơi di động ở 7 trường tiểu học và 9 trường THCS trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể, trong năm học này, mỗi địa phương sẽ lắp đặt 2 bể bơi di động, gồm 1 bể cho tiểu học và 1 bể cho THCS; riêng huyện Khánh Vĩnh đề xuất lắp đặt 2 bể dành cho cấp THCS phục vụ giảng dạy cho cả 2 cấp học. Sở GD-ĐT đã phối hợp với các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước để đảm bảo các yêu cầu về dạy bơi cho HS. Theo đó, diện tích mỗi bể bơi cấp tiểu học là 300m2, cấp THCS là 500m2 và có thể thay đổi theo mặt bằng cũng như nhu cầu thực tế. Mỗi bể bơi có 8 phòng công năng riêng biệt, có mái che, sàn chống trơn trượt, hệ thống camera giám sát, vận hành khép kín theo quy trình di chuyển một chiều…


Ông Lê Đình Thuần cho biết, ngân sách tỉnh sẽ trang bị cơ sở vật chất lắp đặt bể bơi và trang thiết bị ban đầu, với tổng trị giá gần 11 tỷ đồng. Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kêu gọi và tiến hành xã hội hóa các khâu quản lý, vận hành để triển khai đề án. Tùy vào tình hình thực tiễn của các địa phương về số lượng HS tham gia học, đối tượng chính sách được miễn, giảm, thời gian khai thác của bể bơi và trên cơ sở cân đối nguồn kinh phí thu, chi đảm bảo cho hoạt động có hiệu quả, các đơn vị chủ động xin ý kiến chỉ đạo của các phòng GD-ĐT tham mưu với UBND các huyện, thị xã, thành phố đề xuất với UBND tỉnh về quy định mức thu đối với HS tham gia học bơi. Tuy nhiên, mức thu phí học bơi không vượt quá 200.000 đến 250.000 đồng/HS/khóa, tùy cấp học và thời gian học.


Mức học phí tối đa trên được xem là hợp lý cho mỗi khóa học bơi kéo dài 15 buổi (3 buổi/tuần). Mỗi giờ học bơi sẽ có 20 em, huấn luyện viên giảng dạy là giáo viên giáo dục thể chất của các địa phương được tham gia tập huấn, có chứng chỉ và có sự tham gia của các nhân viên cứu hộ. Mục tiêu của đề án là giai đoạn 2017 - 2020 phấn đấu có 25.200 HS tiểu học, 25.200 HS THCS biết bơi và giảm dần số HS bị đuối nước.


H.NGÂN