Rà soát, bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến 2025 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học này của ngành GD-ĐT tỉnh.
Rà soát, bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến 2025 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học này của ngành GD-ĐT tỉnh.
Phát triển đúng hướng
Những năm qua, ngành GD-ĐT đã đầu tư xây dựng mạng lưới trường học và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT, đến nay, hệ thống mạng lưới các cơ sở GD các cấp học, ngành học được trải rộng toàn tỉnh với 543 cơ sở GD mầm non, phổ thông, các loại hình trung tâm GD thường xuyên và hướng nghiệp. Trường học ngày càng đến gần với học sinh (HS) và phù hợp với nhu cầu từng vùng, miền trong tỉnh. Đặc biệt là ở những địa bàn xa xôi, nơi có mật độ dân cư thưa, mô hình trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học và THCS) được triển khai hiệu quả, đảm bảo quy mô HS, ít tốn kém trong xây dựng cơ bản và trong quản lý nhà trường.
Hệ thống các trường ngoài công lập cũng được thành lập, góp phần giảm tải cho trường công, đáp ứng nhu cầu dạy và học và nâng cao chất lượng GD. Giai đoạn 2012 - 2016, toàn tỉnh thành lập mới 20 trường ngoài công lập, trong đó 15 trường mầm non, 3 trường nhiều cấp học, 2 trường THPT. Hiện nay, tỉnh đã có những chính sách tạo điều kiện về đất đai, thủ tục để nhà đầu tư lập dự án xây dựng trường lớp, nhất là ở những khu đô thị mới.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cũng được tăng cường. Giai đoạn 2012 - 2016, toàn tỉnh đã xây mới 750 phòng học văn hóa (tập trung chủ yếu ở mầm non), 178 phòng dạy học bộ môn, 26 nhà đa năng, 27 phòng hoạt động đoàn - đội, 26 thư viện… với tổng kinh phí đầu tư gần 1.283 tỷ đồng, trong đó mua sắm thiết bị dạy học hơn 107 tỷ đồng.
Với sự quan tâm, đầu tư đó, đến nay, quy mô phát triển của các cấp học, ngành học trên địa bàn tỉnh được đánh giá là ổn định và phát triển đúng hướng. Các kết quả phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập GD tiểu học, THCS và xóa mù chữ liên tục được duy trì qua các năm. Tỷ lệ trẻ mầm non đến trường tăng; mô hình trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm được triển khai hiệu quả. Tỷ lệ HS bỏ học giảm dần…
Chưa đạt mục tiêu đề ra
Tuy vậy, nhiều mục tiêu đề ra trong Quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT tỉnh không đạt được. Theo quy hoạch, giai đoạn 2012 - 2016 toàn tỉnh sẽ xây dựng mới 147 trường công lập, gồm 35 trường mầm non, 37 trường tiểu học, 48 trường THCS, 18 trường THPT và 9 trung tâm GD thường xuyên, GD hướng nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ xây dựng được 30 trường, đạt hơn 20%, gồm 5 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 15 trường THCS và 1 trường THPT. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng không đạt kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 216/533 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm hơn 40,5%. Trong đó mầm non có 64 trường, tiểu học có 77 trường, THCS có 67 trường, THPT có 8 trường. Ngoài ra, cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới GD; một số điểm phụ của các trường học xuống cấp, hư hỏng, chưa được đầu tư, gây khó khăn cho công tác dạy và học. Nhiều địa phương vẫn còn tình trạng trường nhiều lớp, lớp đông HS so với quy định…
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, nguyên nhân của những tồn tại trên là do kinh phí phân bổ hàng năm chưa đủ để thực hiện chính sách phát triển GD. Lạm phát và biến động giá cả dẫn đến công tác xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học cho một số nhà trường. Việc quy hoạch mới các khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp, sự biến động của dân cư dẫn đến nhiều trường có số lớp, số HS trong lớp vượt mức quy định. Mặt khác, quỹ đất ngày càng khó khăn do một số trường trong khu vực nội thành, nội thị không thể mở rộng nên khó xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; trong khi một số địa phương chưa bố trí được quỹ đất để phát triển GD.
Trước những bất cập đó, Sở GD-ĐT đã xác định việc rà soát, bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2017 - 2018, tập trung vào một số khu vực, địa bàn có nhiều bất cập về mạng lưới trường học các cấp. Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, ưu tiên quỹ đất cho GD ở những vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp các sở, ngành để giải quyết khó khăn về kinh phí, bố trí quỹ đất đảm bảo xây dựng các cơ sở GD theo quy hoạch; tăng cường xã hội hóa GD để mở rộng mạng lưới cơ sở GD ngoài công lập. Ngành GD-ĐT tỉnh cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở GD mầm non ngoài công lập hoạt động hiệu quả, chẳng hạn như trong chương trình mục tiêu quốc gia cần có kinh phí cho mầm non ngoài công lập…
H.NGÂN