Những năm qua, công tác giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được đặc biệt quan tâm, thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất trường học, thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho học sinh, giáo viên cùng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học…
Những năm qua, công tác giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được đặc biệt quan tâm, thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất trường học, thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho học sinh (HS), giáo viên (GV) cùng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học…
Đầu tư cho giáo dục dân tộc
Những năm gần đây, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang hơn. Toàn tỉnh hiện có 5 trường PTDTNT, gồm: Trường PTDTNT tỉnh và 4 trường PTDTNT huyện, thị xã, thành phố với 34 lớp, gần 1.000 HS. Năm học 2016 - 2017, Trường PTDTNT huyện Khánh Vĩnh được nâng cấp và mở rộng với tổng mức đầu tư gần 24 tỷ đồng. Trường PTDTNT huyện Khánh Sơn được đầu tư xây mới với kinh phí hơn 57 tỷ đồng. Bếp ăn, khu nội trú HS của Trường PTDTNT tỉnh được cải tạo với tổng mức đầu tư gần 1,2 tỷ đồng. Trường PTDTNT TP. Cam Ranh được đầu tư xây dựng nhà đa năng với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Đề án thành lập Trường PTDTNT thị xã Ninh Hòa cũng đang được triển khai với vốn đầu tư của Trung ương là 46 tỷ đồng, quy mô tuyển sinh 300 HS…
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trên địa bàn tỉnh có khoảng 10% HS dân tộc thiểu số (DTTS) người Raglai chưa biết hoặc biết rất ít tiếng Việt. Vì thế, những năm qua, ngành GD tỉnh đã triển khai dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non; dạy tập nói tiếng Việt trong hè cho trẻ DTTS chuẩn bị vào lớp 1. Các phòng GD-ĐT cũng phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác huy động trẻ ra lớp; thực hiện việc tổ chức ăn trưa bán trú, dạy học 2 buổi/ngày; dạy tăng thời lượng tiếng Việt trong năm học. Mặt khác, có các hình thức tổ chức lớp học phù hợp để tạo hứng thú cho HS; tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt thường xuyên, duy trì việc tổ chức chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” từ cấp trường đến huyện... Ngành GD cũng triển khai nhiều giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng HS DTTS, tổ chức nhiều hội thi như: đố vui để học, HS với môi trường, HS với an toàn giao thông, thi chữ viết đẹp... Đồng thời, tổ chức phụ đạo cho HS yếu, kém; tổ chức tự học ban đêm (từ 19 giờ 30 đến 21 giờ) dưới sự quản lý của ban giám hiệu và giám thị; tăng cường quản lý việc đi học chuyên cần của HS…
Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với HS DTTS, cán bộ, GV công tác ở vùng dân tộc cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo đó, hàng tháng, mỗi trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và HS tiểu học ăn trưa tại trường (học 2 buổi/ngày) được hỗ trợ lần lượt là 290.000 đồng và 260.000 đồng. HS tiểu học không ăn trưa tại trường cũng được hỗ trợ 160.000 đồng. HS trung học được nhận chế độ học bổng từ 230.000 đến 290.000 đồng. Bên cạnh đó, HS dân tộc nội trú được hỗ trợ về trang phục và được hưởng chế độ học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu. HS, sinh viên học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp là con em đồng bào DTTS, miền núi được hỗ trợ hàng tháng từ 840.000 đồng đến 1.050.000 đồng/em, đồng thời hỗ trợ 2 lần tiền tàu, xe mỗi năm. Ngoài ra, HS tham gia các lớp tiếng Việt tăng cường trong 2 tháng hè được hỗ trợ tiền mua đồ dùng và tài liệu học tập; GV trực tiếp giảng dạy được chi trả 1,1 triệu đồng và hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/tháng. Các chế độ, chính sách khác dành cho cán bộ, GV ở các trường chuyên biệt, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Nhờ sự quan tâm đó, những năm qua, chất lượng GD dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến. Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD-ĐT, cơ sở vật chất được đầu tư góp phần đảm bảo tốt các điều kiện học tập, sinh hoạt của HS; tình trạng HS lưu ban, bỏ học giảm nhiều so với những năm trước. Các chế độ, chính sách kịp thời góp phần động viên cán bộ, GV yên tâm công tác, đồng thời tạo niềm tin cho sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong nhiệm vụ GD…
Quan tâm hơn nữa
Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 49 trường mầm non có trẻ DTTS (trên tổng số 195 trường mầm non) với 209 nhóm, lớp; tổng số trẻ DTTS ra lớp là 4.340/8.422 trẻ. Có 65 trường tiểu học có HS DTTS với gần 8.000 HS (trên tổng số hơn 97.200 HS tiểu học) với 120 điểm trường; trong đó có 18 trường thuộc địa bàn khó khăn và 6 trường thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn; có 6 lớp ghép ở 3 trường có HS DTTS. Cấp THCS có gần 4.600 HS DTTS, chiếm 6,2%; cấp THPT có 1.065 HS DTTS, chiếm hơn 3% số HS cùng cấp. |
Tuy vậy, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, sự chuyển biến về chất lượng GD của HS DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng đều và rõ nét. Tình trạng HS lưu ban, bỏ học, đi học chưa chuyên cần vẫn diễn ra. Nhận thức và nhu cầu học tập của đại đa số đồng bào DTTS chưa cao; đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém về kết quả GD ở các địa phương. Đội ngũ GV của các trường vùng miền núi chưa đáp ứng được mục tiêu nâng cao GD hiện nay như: không đủ nguồn để tuyển; luôn biến động do hàng năm phải thay đổi và luân chuyển thường xuyên. Cơ sở vật chất trường học tuy đã được đầu tư song vẫn còn nhiều hạn chế, mạng lưới trường học phân tán nhiều điểm trường, việc quản lý và dạy học ở các điểm trường phụ còn nhiều khó khăn nên chất lượng không đảm bảo. Trang thiết bị các phòng thí nghiệm, thực hành hầu như rất ít, chưa có phòng máy vi tính để dạy tin học cho HS…
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng GD dân tộc trên địa bàn tỉnh, năm học 2017 - 2018, ngành GD tỉnh sẽ tập trung củng cố và phát triển hệ thống các trường PTDTNT, các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp có HS DTTS. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc dạy tiếng Việt cho HS DTTS ở trường mầm non và tiểu học. Ngành cũng sẽ triển khai các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; đổi mới công tác quản lý GD dân tộc. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đến chế độ, chính sách đối với HS DTTS và cán bộ, GV công tác ở vùng dân tộc, miền núi…
T.V