Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần doanh nghiệp, vì đây là tổ chức kiểm định chất lượng đầu ra, đồng thời hỗ trợ về thông tin và thị trường lao động.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần doanh nghiệp (DN), vì đây là tổ chức kiểm định chất lượng đầu ra, đồng thời hỗ trợ về thông tin và thị trường lao động. DN cần nhân lực có chất lượng chuyên môn tốt, sát nhu cầu thực tế, giảm tối đa việc đào tạo lại. Tuy nhiên hiện nay, việc liên kết giữa cơ sở GDNN và DN vẫn còn hạn chế.
Đào tạo gắn với nhu cầu
Thời gian qua, một số cơ sở GDNN đã đẩy mạnh liên kết với các DN, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các tỉnh lân cận trong công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế sản xuất. Ông Trần Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang cho biết, nhà trường đã mời nhiều lượt cán bộ quản lý có chuyên môn giỏi từ các DN tham gia giảng dạy những mô-đun đúng chuyên ngành, tổ chức hàng chục ngàn lượt học sinh, sinh viên (HS-SV) tham gia thực tập và thực tập tốt nghiệp tại các DN. Trường cũng mời nhiều DN tham gia hoạt động chuyên môn hàng năm như: biên soạn, điều chỉnh chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình chuyên ngành, tham gia đánh giá chấm thi tại các kỳ thi tốt nghiệp, hội thi tay nghề HS-SV; tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn, nâng bậc thợ cho công nhân có nhu cầu của DN. Hàng năm, nhà trường phối hợp với DN tổ chức phỏng vấn, tuyển dụng HS-SV tốt nghiệp.
Ông Huỳnh Thanh Long - Phụ trách Trung tâm Dạy nghề Nha Trang cho biết, trung tâm đã xây dựng mô hình “DN nằm trong cơ sở dạy nghề” và “cơ sở dạy nghề nằm trong DN”. Cụ thể, làm việc với lãnh đạo các DN kinh doanh dịch vụ du lịch trên biển về việc đào tạo thủy nội địa tại TP. Nha Trang và đã tuyển được 39 học viên lớp thuyền trưởng hạng ba, 26 học viên lớp lái phương tiện hạng nhất, 8 học viên lớp thợ máy hạng nhất. Trung tâm cũng thỏa thuận với DN xây dựng trên địa bàn TP. Cam Ranh tuyển sinh các lớp kỹ năng nghề. Trong đó, DN hỗ trợ xưởng và vật tư thực hành, trung tâm triển khai lịch học thực hành theo tiến độ công trình thi công, đội trưởng giám sát thi công của các công ty tham gia chấm điểm thực hành… “Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa, nhu cầu tuyển dụng lao động ở trình độ sơ cấp hơn 30%. Đây là cơ hội cho nhà trường trong công tác đào tạo ngắn hạn”, ông Long cho biết.
Để tăng cường sự gắn kết cơ sở GDNN và DN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức các buổi đối thoại với DN để chia sẻ phương pháp tiếp cận với DN. Trong đó, có vấn đề DN tham gia xây dựng chương trình giảng dạy, triển khai cho HS-SV thực hành tại DN để nâng cao tay nghề và giảm bớt tình trạng quá tải các trang thiết bị tại nhà trường…
Cần tăng cường liên kết
Bên cạnh những kết quả tích cực, một trong những vấn đề tồn đọng lâu nay trong mối quan hệ giữa cơ sở GDNN và DN là cơ sở đào tạo theo khung, khung này chỉ đáp ứng nhu cầu tại thời điểm xây dựng và chỉ phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở. Trong khi đó, DN chạy đua công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm của xã hội, đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề tương ứng công nghệ mà họ đang đầu tư. Ông Nguyễn Quân Tâm - Giám đốc DN Sửa chữa ô tô Tâm Lễ cho biết: “Hầu hết học viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo nghề không theo kịp sự thay đổi của công nghệ, không được trang bị đầy đủ kỹ năng thực hành, kiến thức về quy trình sản xuất và cách ứng xử phù hợp nơi làm việc. Vì vậy, chúng tôi phải đầu tư nâng cao kỹ năng cho học viên mới tốt nghiệp trước khi họ có thể làm được việc. Thế nhưng, nhiều người lao động đã bỏ việc sau khi được DN đào tạo tại chỗ; vì vậy, DN không được hưởng lợi gì từ sự đầu tư này. Đây là lý do chúng tôi thận trọng trong việc hợp tác với các cơ sở GDNN...”.
Bên cạnh đó, có một thực tế là nhiều HS-SV không được chào đón khi đến thực tập tại DN. Việc tiếp nhận SV thực tập vẫn chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện của DN hoặc mối quan hệ của DN với nhà trường hoặc SV. Bà Phan Mai Phương Duyên - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Du lịch - Thương mại, Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang cho biết, DN không hào hứng với việc tiếp nhận SV thực tập vì phải cử người hướng dẫn, khiến họ cảm thấy công việc bị ảnh hưởng. Tâm lý không coi trọng khả năng của SV thực tập, hoặc e ngại bị lộ những thông tin cần bảo mật nên DN không tin tưởng giao công việc đúng chuyên môn. HS-SV thực tập hầu như chỉ đứng bên ngoài quan sát hoặc làm những việc lặt vặt, đến khi viết báo cáo thì lên mạng copy số liệu, thông tin…
Theo ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Luật GDNN đã quy định rõ nhiều nội dung đổi mới về chính sách đối với DN tham gia hoạt động GDNN. DN có quyền, đồng thời phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Đó là việc tham gia xây dựng danh mục nghề, khung chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, đổi mới tuyển sinh, giám sát chất lượng đào tạo của cơ sở GDNN. DN cũng được tham gia là thành viên trong hội đồng nhà trường. Nếu cần, nhà trường mời DN vào hội đồng và giải quyết những vấn đề liên quan. Bên cạnh đó, chương trình học tập trung vào thực hành là chính; việc thực hành cần phải gắn kết với DN. Việc DN sử dụng HS đang theo học ở trường cũng có nhiều điểm mới. Nếu trước đây HS tốt nghiệp THCS phải học 3 năm, tốt nghiệp THPT phải học 2 năm ở trường nghề, thì hiện nay có thể học theo các mô-đun và tín chỉ. HS có quyền học bao nhiêu tín chỉ tùy thích để đảm bảo tay nghề, một vài năm sau có thể quay lại học tín chỉ khác…
Đây là những điều kiện để cơ sở GDNN và DN phát triển mối quan hệ bền vững, đảm bảo lợi ích của hai bên và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
H.NGÂN