Hiện nay, việc dạy và học các môn khoa học tự nhiên đòi hỏi phải đổi mới, theo hướng phát huy hơn nữa hiệu quả của các phương pháp dạy học tích cực.
Hiện nay, việc dạy và học các môn khoa học tự nhiên đòi hỏi phải đổi mới, theo hướng phát huy hơn nữa hiệu quả của các phương pháp dạy học tích cực.
Những hạn chế
Những năm gần đây, phần lớn giáo viên (GV) dạy các môn khoa học tự nhiên đều được tiếp cận những phương pháp dạy học tích cực. Các thuật ngữ như: dạy học dựa trên dự án, dạy học giải quyết vấn đề, phương pháp “bàn tay nặn bột”, hay các kỹ thuật dạy học như: động não, khăn trải bàn, bản đồ tư duy... đã không còn xa lạ. Theo các phương pháp này, học sinh (HS) được cuốn hút vào các hoạt động học tập do GV tổ chức và chỉ đạo, qua đó tự khám phá những điều mình chưa rõ chứ không phải thụ động tiếp nhận những kiến thức đã được thầy cô sắp xếp. Tuy nhiên, việc vận dụng những phương pháp đó hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa, GV vẫn chủ yếu lệ thuộc vào tiến trình các bài học được trình bày trong sách giáo khoa, chưa chủ động trong việc thiết kế, xây dựng kiến thức phù hợp với các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Khả năng khai thác sử dụng thiết bị dạy học và tài liệu bổ trợ trong quá trình tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp và tự học ở nhà HS còn hạn chế, ít hiệu quả. Phần lớn GV đều lúng túng, sợ bị “cháy” giáo án do HS không hoàn thành các hoạt động được giao trong giờ học. Vì vậy, việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực chưa thực sự tổ chức được hoạt động nhận thức tích cực, sáng tạo và bồi dưỡng phương pháp tự học cho HS; việc tăng cường hoạt động học tập cá thể và học tập hợp tác còn hạn chế...
GV một trường THPT tại TP. Nha Trang cho rằng, việc dạy học hiện nay chủ yếu được thực hiện trên lớp theo các bài, tiết trong sách giáo khoa. Thực tế, với 45 phút, 1 tiết học không đủ thời gian cho các hoạt động học của phương pháp dạy học tích cực, nếu có thì cũng mang tính hình thức, đôi khi còn máy móc nên không mấy hiệu quả. Ngoài nguyên nhân này, theo ông Lê Tuấn Tứ, sự hiểu biết của GV về các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực hiện nay chủ yếu mới dừng lại ở mức độ “biết” một cách rời rạc, thiếu tính hệ thống; chưa làm chủ được phương pháp mới nên GV có tâm lý ngại sử dụng. Một nguyên nhân nữa là các hình thức kiểm tra kết quả học tập của HS còn lạc hậu, chủ yếu là đánh giá sự ghi nhớ của HS mà chưa đánh giá được khả năng vận dụng sáng tạo, kỹ năng thực hành và năng lực giải quyết vấn đề. Vì thế, chưa tạo động lực cho đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.
Cần tăng cường thực hành
Trước yêu cầu về đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá HS nói chung và đối với các môn khoa học tự nhiên nói riêng, Sở GD-ĐT đã xây dựng các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trước hết, là giao quyền tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch GD, phát huy vai trò sáng tạo của nhà trường và GV. Nhà trường tổ chức cho GV rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản; xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn. Kế hoạch GD của mỗi trường được xây dựng từ tổ chuyên môn rồi mới trình hiệu trưởng xem xét phê duyệt. Sở sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học tự nhiên theo hướng xây dựng tiết học thân thiện, dạy học phân hóa, phát huy tính tích cực, hứng thú trong học tập.
Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tên gọi các môn khoa học tự nhiên có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Đó là môn: Cuộc sống quanh ta (từ lớp 1 đến lớp 3); Tìm hiểu tự nhiên (lớp 4 và lớp 5); Khoa học tự nhiên (cấp THCS); Vật lý, Hóa học, Sinh học (THPT). Đây là môn học bắt buộc đối với khối 1 đến khối 10 và là môn học tự chọn ở khối 11, 12. |
Một trong những yếu tố quan trọng để việc học các môn khoa học tự nhiên đạt hiệu quả là học phải gắn với thực nghiệm, thực hành. Vì vậy, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường tăng cường việc sử dụng đồ dùng dạy học, thiết bị, thí nghiệm trong giảng dạy, chống dạy “chay”. Đồng thời, tổ chức các hoạt động như: tự làm đồ dùng dạy học, giải pháp hữu ích, sáng kiến kinh nghiệm; kết hợp giữa phương pháp dạy học truyền thống và ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho bài giảng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phải tránh hình thức, lạm dụng để biến “đọc - chép” thành “chiếu - chép”. Trong kiểm tra, đánh giá, cần quan tâm xem HS học như thế nào, có biết vận dụng không. Các tổ chuyên môn cũng cần có kế hoạch phát hiện và bồi dưỡng cho HS giỏi các môn khoa học tự nhiên ngay từ đầu năm học để tham gia các kỳ thi HS giỏi các cấp; khuyến khích HS tích cực tham gia các cuộc thi trên Internet do Bộ GD-ĐT tổ chức; đồng thời tạo ra những sân chơi bổ ích, lành mạnh dưới các hình thức ngoại khóa, chuyên đề...
Ngoài ra, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Trường Đại học Khánh Hòa, Trường Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản… hướng dẫn HS tiếp tục hưởng ứng tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học hàng năm...
T.V