04:04, 03/04/2017

Khánh Vĩnh: Nỗ lực phổ cập giáo dục

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Địa phương đang nỗ lực hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục của các cấp học.

 

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Địa phương đang nỗ lực hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục của các cấp học.


Những lớp học ban đêm


Khoảng 18 giờ 30 hàng ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, tại Trường THCS Chu Văn An (xã Khánh Hiệp), tiếng thầy giảng, trò học bài lại rộn rã. 2 lớp học tại điểm phổ cập này chỉ có 20 học viên (lớp 8 và lớp 9), chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, nghỉ học sớm để đi làm thuê phụ giúp gia đình. Tham gia các lớp phổ cập ban đêm, các em đều có mong muốn được học tập để nâng cao kiến thức, sự hiểu biết để sau này trưởng thành hơn. Em Cao Thị Thu Trang (thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp) chia sẻ: “Gia đình em thuộc hộ nghèo, bố mẹ đều bị bệnh nên sau khi học xong lớp 7, em đã nghỉ học để đi làm. Được sự động viên của thầy cô giáo, địa phương nên em đến với lớp học ban đêm. Hiện nay, hàng ngày, em đi chặt mía thuê, tối về đến lớp học. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này có bằng THCS, sau đó sẽ đăng ký học nghề may để có công việc ổn định hơn”.

 

Một tiết học ở lớp phổ cập giáo dục THCS tại điểm Trường THCS  Chu Văn An
Một tiết học ở lớp phổ cập giáo dục THCS tại điểm Trường THCS Chu Văn An


Tại điểm Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thôn Suối Cá, xã Khánh Trung) cũng có 2 lớp học phổ cập giáo dục THCS (lớp 8 và lớp 9, mỗi lớp có 9 học viên). Không khí ở 2 lớp học khá sôi nổi bởi cách giảng dạy của các thầy cô giáo khá dí dỏm, dễ hiểu và được minh họa bằng những sự việc diễn ra hàng ngày trong đời sống. Em Cao Thị Tâm (người dân tộc Raglai, thôn Suối Cá) cho biết: “Do hoàn cảnh khó khăn nên học xong lớp 7 em phải bỏ học, đi chặt keo thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Giờ đây, ban ngày em đi làm, ban đêm đến lớp học. Đi học, chúng em không phải đóng bất cứ khoản tiền nào mà còn được hỗ trợ sách, vở, bút. Nhiều hôm đi làm về mệt em không đến lớp được, hôm sau cô giáo đến hỏi thăm, động viên nên em lại tiếp tục cố gắng học tập thật tốt”.


Cô Nguyễn Thị Khánh Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, hầu hết học viên của trường đều là con nhà nghèo nên phải bỏ học để đi làm thuê. Thực hiện công tác phổ cập giáo dục, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà học viên để nắm bắt tình hình và động viên các em, phụ huynh tạo điều kiện cho các em đến lớp học ban đêm. Nhờ vậy, 100% học sinh trong xã đều đến lớp học. Hàng ngày, các thầy cô giáo phân công nhau đến từng nhà học viên ở xa để chở các em đến lớp.


Duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục


Những năm qua, lĩnh vực giáo dục ở huyện Khánh Vĩnh có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô trường lớp ngày càng được củng cố và mở rộng, số lượng học sinh các ngành học, bậc học tăng dần, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên. Nhờ sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất nên điều kiện sinh hoạt của giáo viên và học sinh được nâng cao, chất lượng dạy và học được cải thiện đáng kể so với trước, kết quả công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đã đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn huyện có 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn về công tác xóa mù chữ (mức độ 1), phổ cập giáo dục tiểu học (mức độ 2), THCS (mức độ 1). Ông Bùi Hữu Hóa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh cho biết, đến thời điểm này, huyện đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học. Về phổ cập giáo dục THCS, chỉ còn 5 điểm tại các xã: Cầu Bà, Khánh Trung, Khánh Hiệp, Khánh Phú và Khánh Đông với 102 học viên từ lớp 6 đến lớp 9. Hầu hết các điểm đều tổ chức dạy học vào ban đêm do các học viên thuộc hộ nghèo, ban ngày phải đi làm. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phổ cập giáo dục của huyện còn không ít khó khăn. Đó là, ở một số khu vực vùng sâu vùng xa, người dân chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình. Đây cũng là những trở ngại lớn đối với việc huy động học sinh ra lớp, gây khó khăn trong công tác phổ cập giáo dục ở địa phương.


Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; phấn đấu duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được. Ngành mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp của các ban, ngành địa phương, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền đến từng người dân, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cho việc thực hiện mục tiêu phổ cập.


VĂN GIANG - HẢI LĂNG