Thời điểm này, việc giảng dạy, ôn luyện cho học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới đang được ngành Giáo dục và các trường đặc biệt quan tâm.
Thời điểm này, việc giảng dạy, ôn luyện cho học sinh (HS) lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới đang được ngành Giáo dục và các trường đặc biệt quan tâm.
Phân nhóm để ôn tập
Thầy Trần Duy Nhụ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) cho biết, các giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp đã phối hợp với GV bộ môn phân nhóm HS theo năng lực và theo các môn thi tự chọn. Năm nay, do thời gian thi THPT quốc gia tổ chức sớm hơn mọi năm (từ ngày 22 đến 24-6), lịch thi cũng thay đổi nên kế hoạch giảng dạy, ôn tập được điều chỉnh. Sau khi kết thúc năm học, thời gian ôn tập của HS không còn nhiều nên hiện nay, việc dạy và học thực hiện theo kiểu “cuốn chiếu” là phù hợp, đồng thời nâng cao khả năng tự học, tự ôn tập của HS. Ngoại trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận thì tất cả các bài thi, gồm: Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, nên khối lượng kiến thức khá nhiều và dàn trải, đòi hỏi HS phải bố trí thời gian hợp lý, ôn tập tất cả các nội dung và khó có thể học tủ.
Học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 |
Thầy Trần Hiếu Huy - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (huyện Diên Khánh) cho biết, nội dung thi năm nay chỉ nằm trong chương trình lớp 12 nên HS thuận lợi trong học tập và ôn thi. Tuy nhiên, do hầu hết các môn thi trắc nghiệm nên khối lượng kiến thức rộng, bên cạnh đó đề thi vẫn đảm bảo sự phân hóa để phục vụ cho mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng. Việc ôn thi được nhà trường tập trung vào những kiến thức, kỹ năng cơ bản nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình giáo dục phổ thông. Để HS làm quen với cách thức thi trắc nghiệm, trường chỉ đạo tổ trưởng các bộ môn họp để thống nhất việc xây dựng ma trận đề, phân công GV soạn câu hỏi trắc nghiệm theo từng đơn vị kiến thức để phục vụ việc xây dựng ngân hàng đề thi của trường và của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Tập trung vào chuẩn kiến thức
Mới đây, Sở GD-ĐT có văn bản hướng dẫn các trường THPT về việc dạy học kỳ 2 và ôn tập thi THPT quốc gia năm 2017. Theo đó, các trường đặc biệt chú ý việc hoàn thành chương trình lớp 12 phục vụ kỳ thi, tuyệt đối không được cắt xén chương trình. Lãnh đạo các đơn vị cần chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của HS để có sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý. Đồng thời, các trường phải tuân thủ việc xây dựng ma trận đề kiểm tra một tiết và kiểm tra cuối học kỳ đảm bảo kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan, gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Sở GD-ĐT lưu ý, các đơn vị cần chú ý các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học đã nêu tại hướng dẫn nhiệm vụ năm học của sở. Trong đó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước. Đối với môn ngoại ngữ, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu phát triển năng lực làm bài thi trắc nghiệm nhằm nâng cao chất lượng phổ điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017... |
Ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sở đã tập huấn cho cán bộ, GV cốt cán các đơn vị về việc xây dựng ma trận, ra đề kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm khách quan, phù hợp theo quy trình ra đề chuẩn hóa. Các đơn vị cần tăng cường huy động đội ngũ cán bộ, GV cốt cán đã được tập huấn làm báo cáo viên để triển khai tập huấn mở rộng cho cán bộ, GV tại trường. Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị yêu cầu tổ chuyên môn, GV dạy các môn thi THPT quốc gia cần đánh giá rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập, thi THPT quốc gia năm 2016 để có thêm căn cứ xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập thi năm 2017; tổ chức ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.
Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phân công GV quan tâm giúp đỡ HS học lực yếu, vận động những HS khá, giỏi hỗ trợ, giúp đỡ những HS này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình. Đối với HS khá, giỏi, cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của GV bộ môn. Nhà trường cần hỗ trợ cho HS tự học như tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu bổ trợ và giải đáp thắc mắc cho HS. Việc sắp xếp thời gian ôn tập phải hợp lý, đảm bảo hiệu quả nhưng không gây quá tải. Việc tổ chức học thêm để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định; đặc biệt là đảm bảo tính tự nguyện của HS và tính hiệu quả của nội dung dạy học. Đối với những HS đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng ôn tập thì các trường căn cứ vào điều kiện thực tế để tạo điều kiện ôn tập cho HS.
T.V