04:12, 17/12/2016

Xét tuyển đại học 2017: Không giới hạn nguyện vọng, bỏ điểm sàn

Cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích của thí sinh sẽ cao hơn khi quy chế tuyển sinh đại học không giới hạn số nguyện vọng cũng như số trường.
 

Cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích của thí sinh sẽ cao hơn khi quy chế tuyển sinh đại học không giới hạn số nguyện vọng cũng như số trường.
 
Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học và trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên 2017 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 15/12 có nhiều thay đổi quan trọng, khắc phục một số hạn chế những năm trước đó.
 
Không giới hạn số nguyện vọng đăng ký, số trường
 
Năm 2016, thí sinh được đăng ký nguyện vọng 1 vào 2 trường và mỗi trường tối đa 2 ngành khác nhau. Nhưng theo dự thảo tuyển sinh 2017, thí sinh được thoải mái lựa chọn số nguyện vọng, số trường khi tham gia xét tuyển, nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là cao nhất). 
 
Trong đợt 1, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký (trừ trường hợp cùng mức điểm xét tuyển ở cuối danh sách trúng tuyển). Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách đã đăng ký.
 
Nếu có nhiều thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét theo tiêu chí người đăng ký nguyện vọng ưu tiên cao hơn và theo điều kiện phụ mỗi trường. Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định, quá thời hạn này mà không xác nhận nhập học được xem như từ chối học và trường được xét tuyển bổ sung.

 

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016 tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016 tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Công tác xét tuyển của các trường được tổ chức thành đợt 1 và các đợt bổ sung. Trong đợt 1, thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển cùng hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong thời hạn quy định, bằng phương thức trực tuyến.
 
Dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học tại trường sau đợt 1, hội đồng tuyển sinh trường quyết định có xét tuyển bổ sung hay không.
 
Nếu như năm 2016, điểm xét tuyển bổ sung có thể thấp hơn điểm xét tuyển đợt 1, gây ra nhiều bức xúc thì năm nay Bộ Giáo dục dự tính điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện đăng ký xét tuyển bổ sung.
 
Bỏ điểm sàn đại học
 
Theo dự thảo, Bộ Giáo dục dự kiến không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) như mọi năm. Điều kiện cần chung nhất để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ là do các trường quy định. Các trường phải công khai điều kiện đầu vào trong đề án của mình.
 
Bộ Giáo dục sẽ xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ các trường và thí sinh trong công tác trên. Hệ thống này gồm thông tin về chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh; cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia; đề án tuyển sinh, điều kiện tuyển sinh của các trường; hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh.
 
Tại đây, các trường có thể khai thác thông tin để dự kiến điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển, quyết định dừng hay tiếp tục xét tuyển bổ sung.

 

Bộ Giáo dục sẽ xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ các trường và thí sinh. Ảnh: Mạnh Tùng
Bộ Giáo dục sẽ xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ các trường và thí sinh. Ảnh: Mạnh Tùng
Dành 25% chỉ tiêu xét tuyển theo các khối thi truyền thống
 
Theo dự thảo, các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải công bố tổ hợp điểm thi của các bài thi (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội) và các môn thi thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội (gọi tắt là môn thi) để xét tuyển. 
 
Những trường sử dụng tổ hợp các môn thi, bài thi mới ngoài khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống. Quy định này chỉ thực hiện trong năm 2017.
 
Việc thêm các tổ hợp môn thi hoặc bài thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của 3 môn thi/bài thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn thi độc lập Toán, Ngữ văn để xét tuyển.
 
Các môn thi/bài thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi/bài thi để xét tuyển cho một ngành.
 
Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một bài thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.
 
Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.

 

Đồ họa: Tiến Thành - Hoàng Phương.
Đồ họa: Tiến Thành - Hoàng Phương.
Trước đó ngày 5/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2017. Có tất cả 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với Giáo dục thường xuyên).
 
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh dự thi 4 bài, gồm 3 bài bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn hoặc là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh Giáo dục thường xuyên phải dự thi 3 bài, gồm Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội).
 
Theo VnExpress