Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, phương án thi THPT quốc gia 2016-2017 đã có lộ trình. Năm 2018, 2019 phương án tiếp tục được áp dụng trên cơ sở có điều chỉnh phù hợp thực tế.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, phương án thi THPT quốc gia 2016-2017 đã có lộ trình. Năm 2018, 2019 phương án tiếp tục được áp dụng trên cơ sở có điều chỉnh phù hợp thực tế.
Ngày 31/10, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có báo cáo với đại biểu Quốc hội về các nội dung liên quan đến chương trình, SGK và việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia.
Trong đó, Bộ trưởng cho rằng: “Đổi mới thi và tuyển sinh không thể thực hiện ngay một lần và trong một năm mà phải có lộ trình khoa học cũng như các bước đi phù hợp để giáo viên, học sinh thay đổi cách học, cách dạy, tránh gây hoang mang, lo lắng cho thí sinh”.
Vì thế, từ năm 2000 đến 2014, Bộ tổ chức thi 6 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Trước năm 2006, tất cả các môn đều thi theo hình thức tự luận. Từ năm 2007, các môn Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ đều thi theo phương thức trắc nghiệm, các môn còn lại thi tự luận.
Năm 2017, mục tiêu chung của đổi mới thi tuyển và tuyển sinh vẫn làm sao đảm bảo khách quan, giảm áp lực, chi phí cho thí sinh và người nhà. Vì thế, Bộ đã đưa ra phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để sử dụng kết quả với hai mục đích là xét tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Trên cơ sở kết quả kỳ thi các năm trước, hiện Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án thi THPT quốc gia 2017 và những năm tiếp theo. Kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố do các sở chủ trì, các trường ĐH, CĐ hỗ trợ.
Hình thức thi năm nay có sự khác biệt khi tất cả các môn đều thi trắc nghiệm (trừ Ngữ Văn). Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng. Bài thi sẽ được chấm hoàn toàn bằng máy.
Phương án tổ chức thi THPT quốc gia 2017 sẽ tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm. Từ năm 2020 trở đi, kỳ thi sẽ được tổ chức ổn định đảm bảo tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Giảm tải chương trình phổ thông
Về chương trình, sách giáo khoa (SGK), báo cáo với đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chương trình SGK mới coi trọng dạy làm người với dạy chữ, rèn luyện cả phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống...
Với chủ trương một chương trình, nhiều SGK, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng khung chương trình sau đó các tổ chức, cá nhân cùng Bộ biên soạn SGK. Chương trình mới sẽ thực hiện thống nhất toàn quốc, trong đó quy định những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh sau mỗi cấp học.
Bộ sẽ thí điểm triển khai các mô hình, phương pháp dạy học mới nhằm triển khai chương trình, SGK mới. Hiện nay, Bộ đang xây dựng tiêu chí đánh giá SGK và Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Sau khi Bộ ban hành chương trình sẽ ban hành đồng bộ các văn bản để định hướng các tổ chức, cá nhân trong việc biên soạn SGK.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chương trình SGK mới coi trọng dạy làm người với dạy chữ, rèn luyện cả phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống...
Theo Tiền phong