10:11, 13/11/2016

Thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 22/2016 (có hiệu lực từ ngày 6-11) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2014 ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư 22/2016 (có hiệu lực từ ngày 6-11) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2014 ban hành Quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn bà Lê Thy Phê - Phó Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề này.


- Thưa bà, bà đánh giá như thế nào qua 2 năm thực hiện việc đánh giá HS thường xuyên bằng nhận xét thay cho điểm số trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Thông tư 30/2014 của Bộ GD-ĐT?


- Việc triển khai thực hiện Thông tư 30 trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Sở GD-ĐT đã thể hiện sự năng động, sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện thông tư này qua việc hướng dẫn rõ ràng, chi tiết và hỗ trợ kịp thời, từ đó đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cán bộ quản lý và giáo viên (GV). Qua 2 năm thực hiện, nhìn chung, việc đổi mới đánh giá HS tiểu học đã nhận được sự đồng thuận về phía cán bộ quản lý, GV, HS, cha mẹ HS. Việc cha mẹ HS tham gia đánh giá HS, HS tự đánh giá và đánh giá bạn đã đạt được kết quả ban đầu. So với cuối năm học 2013 - 2014 (đánh giá theo Thông tư 32/2009) thì chất lượng GD cuối năm học 2014 - 2015, 2015 - 2016 (đánh giá theo Thông tư 30) được giữ vững và nâng cao. Vì thế, có thể nói, Thông tư 30 đã xây dựng được niềm tin trong xã hội về đổi mới đánh giá HS tiểu học. Tuy nhiên, để việc đánh giá có tính định lượng hơn cũng như khắc phục một số vướng mắc trong việc đánh giá HS, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 22/2016 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30.


- Xin bà cho biết những điểm mới đáng chú ý giữa Thông tư 22 so với Thông tư 30?


- Các tư tưởng nhân văn như: đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không so sánh HS này với HS khác, đánh giá vì sự tiến bộ của HS… trong Thông tư 30 vẫn được kế thừa và phát triển trong Thông tư 22. Chỉ có một số điểm được sửa đổi, bổ sung nhằm giúp cho nhà trường và GV thực hiện thuận lợi hơn. Cụ thể, Thông tư 22 quy định 4 lần đánh giá: giữa và cuối học kỳ 1, giữa và cuối học kỳ 2 về mặt học tập của HS đối với từng môn học, hoạt động GD và năng lực, phẩm chất (Thông tư 30 quy định 2 lần đánh giá vào cuối học kỳ).

 

Học sinh Trường Tiểu học Phước Hòa 2 (TP. Nha Trang)
Học sinh Trường Tiểu học Phước Hòa 2 (TP. Nha Trang)


Về học tập, HS được đánh giá theo 3 mức độ: hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành (Thông tư 30 chỉ quy định đánh giá theo 2 mức độ: hoàn thành và chưa hoàn thành). Riêng đối với lớp 4 và 5, sẽ có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, Toán vào giữa học kỳ 1 và giữa học kỳ 2. Việc ra đề kiểm tra cũng thay đổi, đó là yêu cầu thiết kế các câu hỏi và bài tập theo 4 mức độ (Thông tư 30 yêu cầu 3 mức độ). Về năng lực, phẩm chất, Thông tư 22 quy định các mức đánh giá theo 3 mức độ: tốt, đạt, cần cố gắng, còn Thông tư 30 chỉ quy định 2 mức độ: đạt và chưa đạt. Quy định về hồ sơ đánh giá thay vì có 5 loại như trước đây, nay chỉ có học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá.


Những thay đổi trên giúp cho việc đánh giá được sâu sát hơn và GV kịp thời có những biện pháp giúp đỡ HS tiến bộ hơn trong quá trình đánh giá thường xuyên. Việc đơn giản hóa hồ sơ đánh giá cũng giúp cho GV giảm bớt việc ghi chép, tập trung vào các hoạt động GD khác. Ngoài ra, việc khen thưởng HS theo Thông tư 22 được điều chỉnh cụ thể, rõ ràng về các mức khen thưởng, các trường sẽ không còn vướng mắc như lúc đầu vận dụng Thông tư 30.


- Việc đánh giá không dùng điểm số khiến nhiều phụ huynh băn khoăn không biết năng lực thực sự của con mình như thế nào. Vậy Thông tư 22 tháo gỡ vấn đề này như thế nào, thưa bà?


- Thông tư 22 vẫn giữ nguyên tinh thần: đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp nhận xét. Phụ huynh cần thay đổi nhận thức: năng lực thực sự của trẻ không chỉ nhìn thấy bằng điểm số. Việc đánh giá thường xuyên HS bằng nhận xét qua cả quá trình học tập và rèn luyện kết hợp với các kỳ kiểm tra định kỳ bằng điểm số ở một số môn học cũng đã thể hiện năng lực học tập của HS. Đồng thời việc đánh giá định kỳ 4 lần/năm học với cách lượng hóa theo 3 mức: hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành sẽ giúp cho phụ huynh nắm bắt được năng lực học tập của con em mình ở mức độ nào.


- Khi thực hiện Thông tư 30, GV khá vất vả trong việc ghi nhận xét cho HS. Vậy thực hiện theo Thông tư 22, GV có được giảm tải so với trước không, thưa bà?


- Theo Thông tư 22, hồ sơ của GV chỉ còn 2 loại: học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá. GV chỉ 1 lần ghi kết quả cuối năm của HS vào học bạ và ghi kết quả đánh giá 4 kỳ vào 4 bảng tổng hợp kết quả, không sử dụng sổ theo dõi chất lượng GD để ghi các nhận xét thường xuyên như trước. Tuy nhiên, GV vẫn cần có sổ tay ghi nhật ký đánh giá riêng của mình nhưng sổ này không nằm trong quy định kiểm tra của nhà trường.


- Thông tư 22 có hiệu lực vào thời điểm giữa học kỳ 1 của năm học có ảnh hưởng gì tới các hoạt động dạy học và đánh giá HS tiểu học ở các trường không, thưa bà?


- Từ đầu năm học đến ngày 6-11, các trường vẫn thực hiện đánh giá thường xuyên theo Thông tư 30. Những điểm thay đổi về tổ chức đánh giá trong Thông tư 22 cần thực hiện rơi vào giữa học kỳ 1 trở đi; thời điểm có hiệu lực của Thông tư 22 đúng vào thời điểm có lịch kiểm tra giữa học kỳ 1 của lớp 4 và lớp 5. Ngày 26-10, Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các Phòng GD-ĐT triển khai nội dung này. Vì thế, việc tổ chức dạy học, ôn tập và kiểm tra đánh giá vẫn thực hiện kịp thời, không bị ảnh hưởng. Sau khi các trường tiểu học được tập huấn xong (trước ngày 25-11), GV chỉ hoàn thiện phần bảng tổng hợp kết quả giữa kỳ.  
- Sở GD-ĐT triển khai thực hiện Thông tư 22 như thế nào để đạt hiệu quả, thưa bà?


- Trước hết, Sở GD-ĐT đã tiến hành phổ biến, quán triệt đến các cán bộ quản lý, GV và làm tốt công tác tuyên truyền đến cha mẹ HS và cộng đồng. Tiếp đó, tổ chức tốt các lớp tập huấn từ cấp tỉnh đến cấp huyện cho toàn đội ngũ cán bộ quản lý và GV. Sở sẽ có văn bản hướng dẫn thật chi tiết cho các trường về các nội dung thực hiện trong thông tư này. Sau đó, cán bộ quản lý phải nắm bắt tình hình triển khai của địa phương, thu nhận những thông tin phản hồi từ cơ sở và giải quyết những vướng mắc, khó khăn nếu có.  


- Xin cảm ơn bà!


K.D (Thực hiện)