Nhờ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến thiết bị dạy nghề trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang...
Nhờ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến thiết bị dạy nghề trong đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV), Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Nha Trang đã có nhiều sáng kiến thiết bị dạy nghề đạt giải cao ở các cuộc thi, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề cho học sinh, sinh viên (HS-SV).
Bên mô hình “Kiểm tra, vận hành, chuẩn đoán động cơ GDI-TOYOTA kết nối máy tính”, hàng chục HS-SV của lớp công nghệ ô tô đang tìm hiểu các “chứng bệnh” của động cơ ô tô. Đây là mô hình do thầy Huỳnh Chí Tuyệt, GV bộ môn Công nghệ ô tô Trường CĐ Nghề Nha Trang nghiên cứu, chế tạo ra vào năm 2015. Thầy Tuyệt chia sẻ: “Trước đây, khi học thực hành, để tạo ra các lỗi thì GV phải chắp nối rườm rà trên thiết bị, điều này dễ gây hư hỏng cho thiết bị và tạo khó hiểu cho người học. Từ những bất cập này, tôi đã nghiên cứu, sáng chế ra mô hình thiết bị mới nhằm để học trò tiếp cận, thực hành và nắm bắt được bài học nhanh hơn”. Đây là mô hình hiện đại, thông minh nhất hiện nay tại trường. Được biết, chi phí đầu tư mô hình này hơn 200 triệu đồng, được nhà trường hỗ trợ 100%. Mô hình đã đạt giải nhất trong cuộc thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp tỉnh năm 2015 và được chọn tham gia cuộc thi thiết bị dạy nghề toàn quốc sắp tới.
Sinh viên học bài trên mô hình kiểm tra, vận hành, chuẩn đoán động cơ GDI-TOYOTA kết nối máy tính |
Ở Khoa Điện - điện tử, hầu hết SV được học tập, rèn luyện tay nghề trên mô hình thiết bị “Bộ thực tập PLC (điều khiển lập trình) đa năng”, do thầy Võ Thành Hoàng Hiếu sáng chế vào năm 2014. Em Lê Hoàng Quân, lớp điện cho biết: “Được học tập và thực hành trên mô hình của thầy Hiếu chúng em nắm bài rất nhanh. Bởi vì, từng chi tiết nhỏ của các nguồn, pha điện được thiết kế rõ ràng…”. Mô hình còn có thể sử dụng để nâng cao kiến thức, kỹ năng, làm cơ sở thực hành và nghiên cứu cho SV khối kỹ thuật chuyên ngành điện - điện tử trong các trường đại học, học viện. Vì vậy, mô hình đã đạt giải nhì tại hội thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp tỉnh năm 2015 và cũng được chọn tham gia cuộc thi thiết bị dạy nghề toàn quốc sắp tới.
Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh: Những năm qua, phong trào nghiên cứu, chế tạo thiết bị dạy nghề tại Trường CĐ Nghề Nha Trang phát triển rất mạnh. Các mô hình, thiết bị dạy nghề của trường luôn chứng tỏ được khả năng sáng tạo, sự nhạy bén của các GV trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào giảng dạy. Đây là điểm sáng để các trường nghề trên địa bàn tỉnh học tập kinh nghiệm để nhân rộng phong trào này. |
Ngoài 2 mô hình trên, mô hình “Trang bị điện dành cho kho bảo quản đông”; “Hệ thống lạnh với hai giàn bay hơi hai tiết lưu”… do thầy Trần Văn Chiến sáng tạo cũng đã đạt giải nhất tại hội thi thiết bị dạy nghề toàn quốc năm 2010 và năm 2013.
Ông Nguyễn Văn Lực - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Nha Trang cho biết, trung bình mỗi năm, đơn vị tiếp nhận gần 20 sáng kiến chế tạo thiết bị dạy nghề. Tất cả những đề tài nghiên cứu, chế tạo này đều được nhà trường hỗ trợ kinh phí, thẩm định kỹ lưỡng trước khi áp dụng vào giảng dạy cho HS-SV. Các thiết bị được chế tạo, cải tiến dựa trên ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ, phù hợp với sự phát triển của bộ môn, của ngành đào tạo, đảm bảo được các nguyên lý về an toàn lao động, không gây ô nhiễm, ít hao tốn nguyên liệu. Nhiều thiết bị có kết cấu, hình thức đẹp và giá thành rẻ hơn so với thiết bị sẵn có bán trên thị trường. Đặc biệt, các thiết bị đáp ứng được cách dạy tích hợp, luyện tay nghề ngay trên thiết bị và có khả năng nâng cấp, ghép nối thêm các mô-đun mới để dạy được nhiều bài học hơn cho HS-SV. “Những sáng kiến này đã góp phần làm đa dạng hóa các thiết bị dạy nghề của trường. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề cho người học, đáp ứng nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp. Do đó, nhà trường sẽ không ngừng nhân rộng hoạt động nghiên cứu, chế tạo thiết bị dạy nghề”, ông Lực nói.
VĂN GIANG