05:10, 13/10/2016

Thí điểm dạy 2 buổi/ngày ở khối 12

Vấn đề dạy thêm, học thêm đang thu hút dư luận trên cả nước, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xung quanh vấn đề này:

Vấn đề dạy thêm, học thêm đang thu hút dư luận trên cả nước, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xung quanh vấn đề này:

- Thưa ông, được biết, từ năm học 2016 - 2017, TP. Hồ Chí Minh chủ trương chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm tại các trường trên địa bàn thành phố, chỉ cho phép tổ chức tại các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường. Tuy nhiên mới đây, địa phương này lại cho phép tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của học sinh (HS). Ông có suy nghĩ gì trước vấn đề này và việc triển khai ở Khánh Hòa như thế nào?


- Phải thừa nhận rằng, dạy thêm, học thêm là vấn đề phức tạp và nan giải trong nhiều năm qua, không chỉ ở Khánh Hòa mà trên cả nước. Xét cho cùng, bản chất của dạy thêm, học thêm không xấu, đó là nhu cầu chính đáng của HS và phụ huynh. Vấn đề là tìm giải pháp để quản lý tốt hơn và hạn chế nảy sinh những vấn đề tiêu cực. Ở Khánh Hòa, tỉnh chủ trương không cấm dạy thêm, học thêm ở cấp THCS và THPT mà thực hiện theo Thông tư 17/2012 của Bộ GD-ĐT. Nghĩa là các trường THCS, THPT được tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường; đối với các giáo viên (GV) đã nghỉ hưu có đủ trình độ theo quy định và được Sở GD-ĐT hoặc phòng GD-ĐT cấp phép thì được tổ chức dạy thêm ở ngoài trường học.


- Cụ thể là tỉnh đã có những chỉ đạo như thế nào về dạy thêm, học thêm trên địa bàn, thưa ông?


- Căn cứ Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT, ngày 8-8-2013, UBND tỉnh có Quyết định số 14 ban hành một số nội dung về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chỉ được tổ chức dạy thêm, học thêm đối với cấp THCS và THPT. Riêng cấp tiểu học không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với HS học 2 buổi/ngày, chỉ dạy thêm, học thêm đối với HS học 1 buổi/ngày về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm được tổ chức trong và ngoài nhà trường. Các trường hợp dạy thêm phải được ngành GD-ĐT cấp phép theo quy định. Để tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý dạy thêm, học thêm, ngày 4-11-2015, Chủ tịch UBND tỉnh có Chỉ thị số 16 về việc tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Sở GD-ĐT, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong việc kiểm tra trên địa bàn quản lý và phối hợp với ngành GD-ĐT xử lý các cá nhân vi phạm.

 

Học sinh Trường Tiểu học Tân Lập 2 (TP. Nha Trang)
Học sinh Trường Tiểu học Tân Lập 2 (TP. Nha Trang)


- Quy định là vậy, song thực tế, việc dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn diễn ra. Phải chăng do công tác quản lý chưa nghiêm, thưa ông?


- Hiện nay, đối với khối THPT, Sở GD-ĐT đã quản lý tương đối chặt chẽ. Các trường tổ chức dạy thêm theo nhu cầu và sự tự nguyện của HS, không cho phép GV tự tổ chức lớp dạy thêm ngoài nhà trường. Nhìn chung, việc dạy thêm, học thêm trái quy định ở cấp THCS, THPT thời gian gần đây đã giảm so với trước. Riêng đối với cấp tiểu học thì việc quản lý vẫn còn nhiều vướng mắc; vẫn có hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận. Qua thanh tra, kiểm tra, chúng tôi phát hiện vẫn còn nhiều GV tiểu học dạy thêm trái quy định; cán bộ quản lý các cơ sở GD còn có biểu hiện nể nang, buông lỏng quản lý để GV dạy thêm ở ngoài nhà trường nhưng không được cấp phép. Chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp xã, phường cũng chưa thực sự quan tâm kiểm tra, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn…


- Để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, nhiều trường đã triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, một số trường thu học phí cao, gây khó khăn đối với nhiều gia đình. Ông có ý kiến gì về việc này?


- Sở GD-ĐT khuyến khích các trường THCS, THPT tổ chức dạy 2 buổi/ngày, bởi đây là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Tuy nhiên, việc dạy học phải thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT là: 1 tuần dạy không quá 4 buổi, 1 buổi không quá 4 tiết ở cấp THPT và không quá 3 tiết ở cấp THCS. Nội dung dạy buổi 2 phải nhằm củng cố, nâng cao kỹ năng, kiến thức, GD nhân cách của HS. Bên cạnh đó, không được cắt giảm nội dung trong chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, cũng không được dạy trước chương trình chính khóa. Đối tượng học thêm là HS tự nguyện đăng ký học và được gia đình đồng ý. Ngoài ra, các lớp dạy buổi 2 không bố trí theo lớp học chính khóa mà phải sắp xếp những HS có học lực tương đương vào một lớp, có như vậy việc dạy và học mới hiệu quả.


Về vấn đề thu phí dạy 2 buổi/ngày, Bộ GD-ĐT cho phép các đơn vị, trường học thỏa thuận với phụ huynh mức thu phù hợp. Theo chúng tôi được biết thì mức phí dạy 2 buổi/ngày ở nhiều trường hiện nay dao động từ 500.000 đến 700.000 đồng/tháng, tương đối cao so với mức sống trung bình của người dân. Song nhiều phụ huynh cho rằng đây là vấn đề tế nhị, không dám nêu ý kiến của mình với nhà trường…


- Trong năm học này, Sở GD-ĐT tập trung triển khai những giải pháp gì để quản lý tốt hơn việc dạy thêm, học thêm?


- Mới đây, Sở GD-ĐT đã có buổi làm việc với các trường THPT và thống nhất tổ chức thí điểm dạy 2 buổi/ngày từ năm học 2016 - 2017 đối với khối 12 toàn tỉnh. Sở cũng yêu cầu các trường nếu có điều kiện thì tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho HS khối 10, 11. Hướng của những năm tiếp theo là sẽ triển khai thí điểm dạy học 2 buổi/ngày cho cấp THCS. Trường nào đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì tuyệt đối không được tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Giải pháp này sẽ góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Lưu ý rằng, việc cho HS tham gia học buổi thứ 2 phải trên tinh thần tự nguyện, có sự đồng ý của phụ huynh.


Sở GD-ĐT cũng quy định số tiết dạy buổi 2 đối với lớp 12 là 11 tiết/tuần. Tùy theo tình hình của địa phương, lãnh đạo các trường trao đổi, thống nhất với cha mẹ HS để quy định mức thu hợp lý nhưng không vượt quá 7.000 đồng/tiết/HS. Như vậy, HS học buổi 2 sẽ phải đóng khoảng 300.000 - 310.000 đồng/tháng. Tôi cho rằng, mức đóng này là hợp lý. Riêng với HS diện chính sách, con hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi cha mẹ, HS khuyết tật… thì sẽ được xem xét miễn, giảm học phí. Các trường khác cũng nên căn cứ vào quy định này để xem xét lại mức thu học phí hiện nay cho phù hợp.


- Như ông đã nói, việc dạy thêm, học thêm, dạy 2 buổi/ngày là trên tinh thần tự nguyện của HS. Nhưng thực tế có nhiều phụ huynh rất khó xử khi “được” thầy cô đề nghị ký xác nhận vào những lá đơn “tự nguyện”, dù họ không muốn. Vậy họ có thể liên hệ với ai để phản ánh việc này cũng như những vấn đề tiêu cực khác?


- Các phụ huynh có thể gọi đến số điện thoại của tôi là 0903.590.331; hoặc số điện thoại của ông Huỳnh Vĩnh Khang - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT là 0919.480.141. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến đóng góp và sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để từng bước chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.


-  Xin cảm ơn ông!


K.D (Thực hiện)